Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Kinh tế Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài

PV | 10:22 25/11/2022

Sáng ngày 25/11/2022, tại Đà Nẵng, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” do Bộ Tài chính tổ chức được khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Kinh tế Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022.

Diễn đàn có sự tham dự của 300 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm tìm kiếm các đề xuất, sáng kiến, giải pháp thực hiện những định hướng lớn về tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Bộ Tài chính đã xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tài chính đến năm 2030 là: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”.

vo-thanh-hung.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

Theo đó, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm đầu thực hiện Chiến lược, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây sức ép lớn về y tế, kinh tế và trật tự xã hội làm nhu cầu chi NSNN nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh tăng cao. Do đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đã thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN với tổng số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh khoảng 140 nghìn tỷ đồng (năm 2021) và 144,5 nghìn tỷ đồng (10 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân; tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước…

Bộ Tài chính cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp. Các giải pháp chính sách tài chính - NSNN được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022 - 2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng: trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi NSNN.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Trung ương 5, 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 gồm 2 phiên tham luận: Phiên 1 - Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Phiên 2 - Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Kinh tế Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO