Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thứ 3 vừa thông báo giảm lãi suất 20% so với lãi suất hiện hành để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ ngày 1-31/12/2022.
Cụ thể, với dư nợ phát sinh trong tháng 12/2022, Agribank sẽ giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Trước Agribank, ngày 24/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu kéo dài từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….
"Đây là hành động thiết thực, thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch", đại diện Vietcombank nói.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng công bố giảm lãi suất đối với 43.000 khách hàng ở một số lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể, từ nay đến 31/12/2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm (chương trình đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Chương trình này được áp dụng đối với các khoản ký hợp đồng kể từ 1/11 đến 31/12/2022.
Như vậy, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Để hỗ trợ thêm, ngân hàng cũng cam kết miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng cao là vấn đề đáng quan tâm nhất bởi sự lựa chọn ưu tiên tỷ giá và lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngày 17/11, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay, xem xét giảm lãi suất đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Theo đó, các ngân hàng trên cơ sở mối quan hệ với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường hỗ trợ và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất và cung ứng hàng hoá dịch vụ cuối năm và tết cổ truyền.