Du lịch tuyến Tây Bắc, Đông Bắc là một sản phẩm mà nhiều du khách rất ưa thích. Tại đây, khách hàng không chỉ được trải nghiệm văn hoá truyền thống, văn hoá ẩm thực mà còn được thưởng thức phong cảnh hùng vĩ với những ngọn núi quanh năm mây bao phủ và những thảo nguyên xanh đẹp như trong truyện cổ tích.
Tour Tây Bắc – Đông Bắc tăng khách
Theo các công ty du lịch lữ hành, trong khi tuyến du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản ngắm mùa thu lá vàng xứ lạnh còn có những hạn chế nhất định do đại dịch Covid-19, thì từ nay đến cuối năm du lịch nội địa tuyến Tây Bắc – Đông Bắc đang được các du khách ưa thích. Nếu như mùa hè, khách đi du lịch biển chiếm 60-80%, thì mùa này khách chuyển hướng đi du lịch Tây Bắc – Đông Bắc cũng đạt từ 60-80%.
Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour) cho biết, "mùa vàng" tuỳ từng tuyến sẽ còn duy trì đến hết tháng 10. Ví dụ tuyến Nghĩa Đô – Xín Mần (Hà Giang) kéo dài đến hết tháng 10, tuyến Mù Cang Chải (Yên Bái) kháchdu lịch đã bắt đầu đặt chỗ “bay trên mùa vàng”. “Các tour về miền núi phía Bắc đang được khách hỏi thăm nhiều”, ông Quân cho hay.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội, mùa thu đông năm nay, với thị trường trong nước, Vietravel Hà Nội tập trung vào các tuyến Đông Bắc- Tây Bắc với chùm tour từ thiện, du lịch mùa lúa chín (tháng 9, 10), du lịch theo mùa hoa (hoa tam giác mạch, cải trắng, mận trắng vào các tháng cuối năm). Ước tính, lượng khách đăng ký các tour Tây Bắc – Đông Bắc tháng 8 và nửa đầu tháng 9 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành khác cũng ghi nhận lượng khách đặt tour ngắm mùa vàng tăng mạnh như Saigontourist, Vietravel, TST tourist… Chẳng hạn, Vietravel đã nhận được hơn 6.500 lượt khách quan tâm và đăng ký đặt chỗ. Con số này ở Saigontourist cũng đạt hơn 6.000 lượt khách, so với mục tiêu 10.000 lượt đã đề ra.
Đại diện một đơn vị lữ hành chia sẻ, tuyến du lịch Tây Bắc – Đông Bắc có rất nhiều điều thú vị. Đến mỗi nơi, du khách lại có những cảm nhận và trải nghiệm khác nhau theo từng cung đường, theo phong tục văn hoá của địa phương. Và để liên tục tạo ra các điểm du lịch mang những phong cách và điểm nhấn khác nhau, các địa phương cũng đã kết hợp với các đơn vị du lịch lữ hành khảo sát, tìm kiếm, xây dựng các điểm đến trải nghiệm và ấn tượng khác.
Trong đó tour du lịch Bắc Hà – Si Ma Cai (Lào Cai) - Xín Mần (Hà Giang) đang được các địa phương này khảo sát, đánh giá tính khả thi để đưa các địa điểm này thành chuỗi du lịch khép kín, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Triển vọng Bắc Hà – Si Ma Cai – Xín Mần
Tại Hội thảo đánh giá tính khả thi và đề xuất giải pháp phát triển tour du lịch mới gắn kết Bắc Hà – Si Ma Cai (Lào Cai) – Xín Mần (Hà Giang) vừa được tổ chức, bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang giữ vị trí là cầu nối du lịch giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có nhiều nét tương đồng giữa 2 vùng. Đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính khả thi trong kết nối khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, ngành du lịch Hà Giang và Lào Cai đã xây dựng nhiều chương trình sản phẩm liên kết như: Bắc Hà - Si Ma Cai - Xín Mần - Quang Bình… nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch hai địa phương.
Bên cạnh các sản phẩm liên kết, năm nay, tỉnh Lào Cai cũng đã “tung” ra nhiều chương trình mới, được nhiều du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao: sản phẩm mới Tinh hoa Tây Bắc, Hương sắc Lào Cai 2022 với chủ đề Kết nối khát vọng xanh. Hay như chương trình Sa Pa Lặng lẽ yêu - The Mông Show… Do đó, đến thời điểm này, du lịch Lào Cai đã vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 để “hồi sinh” một cách mạnh mẽ.
Ông Trần Sơn Bình, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượt khách đến Lào Cai khoảng 3,4 triệu người, đạt 87% so với kế hoạch năm và tăng 185% so với năm 2021. Về doanh thu đạt trên 12.000 tỷ đồng, đạt 80% so với kế hoạch năm, tăng 215% so với năm 2021.
Theo ông Bình, sau cao điểm hè và thu, tỉnh đang đẩy mạnh du lịch mùa đông với các chuỗi sản phẩm mới như: Ngũ sắc miền sương mây là những show diễn thực cảnh để tôn vinh nét đặc sắc văn hoá của 5 dân tộc tại Sa Pa…
Bà Hồ Thuỷ, Công ty Lữ hành Fiditour cho rằng, điều quan trọng là du khách cần những địa điểm đặc sắc. Du lịch trải nghiệm vùng cao không đòi hỏi hạ tầng giao thông đẹp, bằng phẳng, vì du lịch trải nghiệm cần đảm bảo an toàn. Do đó, để có thể thu hút được khách, các địa phương cần mở rộng tập huấn cho doanh nghiệp, người dân về điểm du lịch – hãy để mỗi người dân là đại sứ văn hoá du lịch và cần giữ gìn nét văn hoá truyền thống của địa phương.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, đây là một tuyến du lịch có cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, với nhiều điểm di tích lịch sử mang đậm các giá trị văn hoá dân tộc, có lợi thế thu hút du khách trong nước và quốc tế. Do đó, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp đưa ra là các địa phương cần xác định việc phát triển du lịch đặc thù.
Đánh giá về tính khả thi của tour du lịch Bắc Hà – Si Ma Cai – Xín Mần, ông Nguyễn Trung Quân cho biết, khách du lịch nội địa đang dịch chuyển từ Mù Cang Chải (Yên Bái) sang những điểm đến mới như Xín Mần (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai) khá rõ nét trong hơn năm nay. “Du khách từ Sài Gòn, miền Trung đặt tour ngắm mùa vàng rất đông và thường lựa chọn tuyến Hà Giang. Đến thời điểm hiện nay, công ty đã nhận được hơn 2.000 lượt khách đăng ký đặt chỗ”, ông Quân chia sẻ.
Để đưa tuyến du lịch trải nghiệm Bắc Hà – Si Ma Cai – Xín Mần vào hoạt động, ông Quân dự tính cho gói 3 ngày 2 đêm với giá tiền khoảng từ 2,3-2,6 triệu đồng/người. Nếu các địa điểm có homestay đẹp hơn, hiện đại hơn sẽ có mức giá cao hơn.
Trước đó, đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Sở Du lịch Hà Giang, Lào Cai, các doanh nghiệp lữ hành và báo chí đã có chuyến Famtrip 4 ngày 3 đêm đến các điểm du lịch của Lào Cai và Hà Giang như: thưởng thức ẩm thực tại Nghĩa Đô (Bảo Yên); Thác Tiên – Đèo Gió – Bãi Đá Cổ - chợ đêm Cốc Pài – thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần, Hà Giang); chợ Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai); Dinh Hoàng A Tưởng – Bản Liền – chợ phiên Bắc Hà – thung lũng hoa Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai).