MarketTimes: Từ sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã thay đổi cách thức hoạt động ngành du lịch. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chuyển đổi số đối với ngành du lịch?
Ông Nguyễn Lê Phúc: Có thể thấy chuyển đổi số có vai trò to lớn trong định hình tương lai của ngành du lịch, đặc biệt sau thời gian dài thế giới chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Chuyển đổi số giúp cải thiện trải nghiệm của du khách. Trong đó, khách du lịch sẽ được hưởng lợi khi trải nghiệm những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots; công cụ chia sẻ, đánh giá về dịch vụ…
Chuyển đổi số cũng giúp nâng cao hiệu quả vận hành của doanh nghiệp du lịch. Việc ứng dụng công nghệ vào các khâu marketing, quản lý booking, quản lý khách hàng, điều hành nội bộ… sẽ giúp chuẩn hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất, tăng tính kết nối trong hệ thống điều hành.
Ngoài ra, chuyển đổi số giúp cơ quan quản lý đổi mới mô hình, phương thức quản lý, tăng cường tính kết nối liên thông với các doanh nghiệp du lịch.
MarketTimes: Những sản phẩm chuyển đổi số trong thời gian qua là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Phúc: Xác định việc ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Tiêu biểu là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” dành cho khách du lịch; Ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” dành cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; hệ thống “đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19” đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn quốc.
Ngoài ra, đúng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, năm 2021, Tổng cục Du lịch bắt đầu triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng “điểm đến du lịch thông minh”, chương trình này đã được ứng dụng tại Hà Giang, Thanh Hóa...
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng hoàn thành mục tiêu.
Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
MarketTimes: Chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ngành du lịch cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nào thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Phúc: Để đẩy mạnh chuyển đổi số, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn, nhất là trong việc triển khai marketing số trên các sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.
Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch và tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, tận dụng kiến thức và nguồn lực của họ để triển khai hoạt động chuyển đổi số hiệu quả hơn.
MarketTimes: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Thời gian quan Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gồm:
- - Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam.
- - Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.
- - Phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, hệ thống “đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”.
- - Hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh.
- - Hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch…