Theo nội dung dự thảo, Luật giá sửa đổi sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn các địa phương. Theo đó, có thể điểm qua một số điểm mới đáng chú ý như sau.
Sửa đổi quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Theo dự thảo hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định.
Hiện nay, Luật Giá 2012 quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Ngoài gia, dự thảo còn bổ sung quy định: “Trong trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trên cơ sở đề nghị của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định”.
Bổ sung hàng hóa do Nhà nước định giá
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế vào nhóm hàng hóa do Nhà nước định giá.
Nguyên tắc hiệp thương giá
Nguyên tắc hiệp thương giá được quy định tại dự thảo như sau:
- Các đối tượng đề nghị hiệp thương phải là doanh nghiệp mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng quy định tại Điều 26, Luật Giá 2012.
- Việc tiếp nhận, tổ chức hiệp thương được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, cả 02 bên đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương.
- Quá trình hiệp thương phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.
Thêm quy định về hàng hóa phải kê khai giá
Theo dự thảo thì hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá;
- Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu;
- Một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;
- Một số hàng hóa, dịch vụ tại địa phương.
Hiện nay, danh mục hàng hóa phải kê khai giá do Chính phủ quy định.
Tổ chức, cá nhân phải thực hiện niêm yết giá
Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện niêm yết giá bao gồm:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm);
- Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật;
- Cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các tổ chức, cá nhân phải niêm yết giá được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Đồng thời, dự thảo đã bỏ đi đối tượng phải niêm yết giá là Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Kỳ vọng tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn"
Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, tại thời điểm ban hành, đây là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, đến nay trải qua 9 năm thi hành, Luật đã phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, vướng mắc, chưa theo kịp thực tiễn, cần được sửa đổi.
Cụ thể, quá trình áp dụng thực tế, Luật Giá đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong chính các quy định của Luật và với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan, dẫn đến những bất cập trong khâu tổ chức thi hành Luật như: danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định cụ thể tại Luật nên khi có phát sinh mặt hàng phải bình ổn giá ngoài danh mục (thịt lợn, thép xây dựng,…) hoặc phải bổ sung vào danh mục, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá (sách giáo khoa) rất khó thực hiện.
Hay như, tên một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý còn chung chung hoặc chưa được chuẩn hóa, cập nhật theo tên gọi của pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn cho việc xác định mặt hàng chi tiết cụ thể để quản lý theo quy định.
Năm 2021, Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, chỉ đạo về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động theo cơ chế thị trường, xử lý hài hòa, hợp lý quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, phù hợp tình hình thực tiễn. Cơ quan quản lý Nhà nước tập trung xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, điều kiện, các bộ ngành, địa phương bám sát thị trường để chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
“Việc xây dựng luật sửa đổi phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá. Chú ý công cụ bình ổn giá, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bỏ qua an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Quý bạn đọc quan tâm có thể tham khảo toàn văn dự thảo Tại đây