Nhiều dấu hiệu dự báo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng

Phạm Minh | 14:53 23/05/2022

Theo lộ trình, tín dụng vào bất động sản sẽ tiếp tục bị “siết” vào tháng 10/2022, điều này sẽ tác động đến lãi suất vay mua nhà gia tăng. Đây là nhận định của một số ngân hàng tư nhân và chuyên gia tài chính ngân hàng.

Nhiều dấu hiệu dự báo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng
Lãi suất vay mua nhà dự kiến sẽ tăng từ tháng 10/2022. (Ảnh: Int)

Đến thời điểm cuối tháng 4/2022, lãi suất huy động của một số ngân hàng kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng không thay đổi, chỉ lãi suất với kỳ hạn trên 12 tháng tại nhiều ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 13-14 điểm so với cuối năm 2021, nhưng lãi suất cho vay thế chấp tại các ngân hàng này thay đổi không đáng kể.

Giữ ổn định kinh tế, lãi suất cho vay chưa tăng.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25-30 năm, giảm áp lực trả nợ từng tháng cho người vay vốn.

Đơn cử, MSB đang cho vay mua nhà với lãi suất 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu; PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở 5%/năm cho 6 tháng đầu; Sacombank, VIB có sản phẩm cho vay mua nhà ở với giá trị cấp tín dụng bằng 100% giá căn nhà, lãi suất 8,3%-8,5%/năm cho 1 năm đầu...

Techcombank đang cho vay mua nhà trả góp với các gói ưu đãi với lãi suất như 6,49%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên; 7,49% /năm cố định trong 6 tháng đầu tiên; 7,99% /năm cố định trong 12 tháng đầu tiên; 8,49% /năm cố định trong 24 tháng đầu tiên.

Tương tự, VietinBank áp dụng các mức lãi suất cho vay tiền mua nhà trả góp 8,62%/năm cố định trong 24 tháng đầu tiên; 9,50%/năm cố định trong 36 tháng đầu tiên.

Theo nhận định của các ngân hàng thương mại, hiện nay, lãi suất cho vay vẫn duy trì ổn định theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết, hiện nay kinh tế thế giới có nhiều biến động như phục hồi hậu đại dịch và bất ổn địa chính, giá dầu và hàng hoá tăng mạnh đã gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất và dự kiến sẽ có nhiều lần nâng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm. Theo đó, lãi suất huy động trong nước cũng đã tạo đáy và có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong năm 2022-2023 góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

“Trong ngắn hạn, lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng”, ông Tùng nói.

Kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Trước diễn biến trong nước và trên thế giới, chuyên gia nhận định, lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp. Điều này đang diễn biến và đặc biệt từ tháng 10/2022 khả năng sẽ “siết” chặt hơn.

Theo chuyên gia VnDirect, Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022. Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9-10% năm 2022.

Bên cạnh đó, tháng 4 vừa qua, để hạn chế đầu cơ bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Cũng theo chuyên gia VnDirect nhận định, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc; áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm 2022; cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Đồng thời dự báo, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.

Do lãi suất huy động tăng nên các ngân hàng thương mại có khả năng tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản như hiện nay.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng sẽ có các giải pháp để kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Trong đó, xây dựng các quy định về hạn mức, tỷ lệ tối đa về dư nợ cấp tín dụng, dư nợ cho vay với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán nhằm kiểm soát rủi ro tập trung, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát các hạn mức, tỷ lệ này.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất thế chấp cho vay mua nhà trong năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 9,5%-10%, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 11-11,5%/năm”, chuyên gia VnDirect dự báo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều dấu hiệu dự báo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO