Áp lực tăng lãi suất
Trong một báo cáo phân tích về thị trường nhà ở công bố mới đây, bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định áp lực lãi suất vay mua nhà sẽ gia tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại.
Theo đó, tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi tại các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản (bps) và 13 bps so với mức cuối năm 2021 (1 bps = 0.01%).
Lãi suất huy động sẽ khó duy trì mức thấp và có thể sẽ tăng 30-50 bps cho cả năm 2022.
Có 3 lý do thúc đẩy tăng lãi suất huy động gồm: nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc; áp lực lạm phát gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
Dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện đang ở mức 5,5-5,7%/năm).
Theo đó, các ngân hàng thương mại có khả năng tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt kiểm soát tín dụng vào lĩnh bất động sản như hiện nay.
Mức lãi suất thế chấp cho vay mua nhà trong năm 2022 được VNDIRECT dự báo sẽ dao động trong khoảng 9,5%-10%.
Mới đây, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng có báo cáo cho thấy từ đầu năm đến nay lãi suất huy động đã tăng tại một số các ngân hàng thương mại cổ phần với mức tăng 10-30 bps.
Với áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng.
Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022 và lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng theo lãi suất huy động.
Nguồn cung giảm đẩy giá nhà tăng cao
Việc lãi suất cho vay mua nhà đang đứng trước nguy cơ tăng cao cộng với việc giá nhà liên tục tăng cao sẽ tạo ra khó khăn kép cho phân khúc bất động sản nhà ở.
Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là những người lao động có nhu cầu mua nhà ở thực. Họ vốn có mức tài chính hạn hẹp do đó đều sẽ phải vay vốn ngân hàng khi mua nhà.
Cụ thể, theo một nghiên cứu do CBRE Việt Nam công bố mới đây cho thấy tại tại thị trường Hà Nội, giá bán nhà ở đã tăng đáng kể trong khi nguồn cung mới sụt giảm mạnh.
Theo đó, lượng tiêu thụ căn hộ sơ cấp trong quý I/2022 tăng 16% so với cùng kỳ trong khi nguồn cung mới giảm 20,3% so với cùng kỳ, chỉ ở mức 3.525 căn.
Giá trung bình căn hộ sơ cấp quý I/2022 tăng mạnh 13,3% so với cùng kỳ lên 1.655 USD/m2 (khoảng 38,2 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, nguồn cung mới nhà xây sẵn quý I/2022 cũng sụt giảm 24,7% so với cùng kỳ còn 296 căn.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo CBRE, nguồn cung căn hộ mới trong quý I/2022 giảm 48% so với cùng kỳ, còn 884 căn, mức thấp nhất theo quý kể từ năm 2013.
Trong khi đó, giá trung bình căn hộ sơ cấp tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia của VNDIRECT, trong thời gian tới bất động sản nhà ở sẽ phải đối mặt với không tí thách thức, cả với người mua và doanh nghiệp phát triển, đầu tư dự án.
Cụ thể, lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến quyết định mua nhà trong khi giá vật liệu liên tục tăng có thể làm tăng giá nhà ở.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trong một vài quý tới.