Tại Hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô” vừa diễn ra, TS. Cấn Văn Lực - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết, Vùng Thủ đô sẽ có nhiều động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Trước khi sáp nhập, Vùng Thủ đô có khoảng 10 tỉnh thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tích cực. Trong quý I/2025, Vùng Thủ đô có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 9,4%.
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, sau sáp nhập Vùng Thủ đô dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội; Hưng Yên (Hưng Yên + Thái Bình); Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định); Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình); Bắc Ninh (Bắc Ninh + Bắc Giang); Thái Nguyên (Thái Nguyên + Bắc Kạn); Quảng Ninh.
Về diện tích, sáu sáp nhập, Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình) có diện tích rộng lớn nhất. Về dân số, Hà Nội vẫn đông nhất với 8,7 triệu dân. Đứng thứ hai là Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định).
“Nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng”, TS Lực nói.
Nhìn lại một số cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng Thủ đô, thứ nhất, Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, tài chính ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội cho phép giữ lại 100% nhiều khoản thu; 50% tiền sử dụng đất; nâng giới hạn vay nợ đến 90% số thu ngân sách; tạm ứng 50% Quỹ dự trữ tài chính; tăng thẩm quyền trong công tác quy hoạch…
Thứ hai, Nghị quyết 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Vùng Thủ đô là cực tăng trưởng quốc gia và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ ba, Quyết định 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước.
Thứ tư, Nghị quyết 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện Dự án đường sắt đô thị theo mô hình đô thị định hướng giao thông công cộng TOD (Transit-Oriented Development).
Thứ năm, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025.
Về các dự án hạ tầng trọng điểm, tại Vùng Thủ đô, có rất nhiều dự án hiện đang và sẽ chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Đơn cử, dự án Vành đai 4 tính sơ bộ có tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng. Dự án này đã và đang triển khai, chạy qua 4 tỉnh thành phố.
Dự án Vành đai 5 cũng đã bắt đầu bàn để tiến hành thực hiện với độ dài khoảng 272km, gấp đôi Vành đai 4. Tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng và cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đồng thời, dự án Sân bay Gia Bình được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng. Sân bay Gia Bình được nâng cấp thành sân bay quốc tế, có diện tích 363,5ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Một dự án nữa là Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô khoảng hơn 1.500km, chạy qua 20 tỉnh, thành phố; tổng vốn đầu tư dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án hạ tầng khác đang tạo động lực phát triển tích cực cho Vùng Thủ đô.