Lạng Sơn đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm OCOP

Mai Linh | 09:57 03/10/2023

Nói đến sản phẩm OCOP, Lạng Sơn là một trong những địa phương ghi “dấu ấn” khi có tới 104 sản phẩm đạt OCOP từ 3-4 sao. Không chỉ vậy, các sản phẩm OCOP của Lạng Sơn được địa phương thúc đẩy xúc tiến thương mại, nên các thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vươn xa ra cả nước, có nhiều sản phẩm còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Lạng Sơn đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm OCOP
Lạng Sơn chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

Nhắc đến trái na, Lạng Sơn nổi tiếng với vùng trồng na Chi Lăng, Hữu Lũng với hàng chục ngàn ha trải dài từ núi đá xuống thung lũng. Huyện Tràng Định nổi tiếng với cây thạch đen đã xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Huyện Bắc Sơn lại nổi tiếng với vùng trồng quýt thơm khó nơi nào sánh được. Thành phố Lạng Sơn với sản phẩm vịt quay và lợn quay… Tất cả đã tạo nên một nét rất riêng của đặc sản xứ Lạng.

Tích cực tham gia hội chợ

Chị Nguyễn Thị Phúc (phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương) hồ hởi khoe với gia đình và bạn bè vừa mua được vịt quay, gà ủ muối hoa tiêu đặc sản xứ Lạng đang được trưng bày tại hội chợ Festival Chí Linh-Hải Dương năm 2023. Chị cho biết, hàng ngày vẫn mua tại địa phương, nhưng hội chợ năm nay có thêm các sản vật từ các địa phương bạn giới thiệu sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nên mua để thưởng thức. Sản phẩm chị mua về được cả nhà khen ngon, có hương vị đặc trưng riêng của xứ Lạng.

Cũng như chị Phúc, chị Nguyễn Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), nhà gần Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp ở đường Hoàng Quốc Việt, nên chị luôn chờ đợi các buổi triển lãm diễn ra để chị có thể được thưởng thức các đặc sản OCOP vùng miền và đặc biệt là các sản vật từ xứ Lạng. Mùa nào thức đó, vào mùa đông gia đình chị Hạnh được thưởng thức trái quýt Bắc Sơn, mùa thua hồng vành khuyên, hạt mắc-ca Cao Lộc, na Chi Lăng, Hữu Lũng… Mỗi lần đến hội chợ lúc nào chị cũng “khệ nệ” mua về cả xe đẩy hàng hoá.

3.10_lang-son.jpeg
Sản phẩm thạch đen của Tràng Định còn "tìm đường" xuất khẩu ra nước ngoài.

“Bây giờ mua bán thật tiện lợi, không cần đi xa nhưng tôi có thể mua được các đặc sản OCOP của Lạng Sơn. Điều nữa, những người làm xúc tiến thương mại tại Lạng Sơn cũng rất nhanh nhạy mang hàng hoá của mình giới thiệu khắp nơi, sản phẩm của họ được rất nhiều người tiêu dùng biết tới”, chị Hạnh cho hay.

Như vậy có thể thấy, chỉ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9, ngay ở 2 địa phương gần Lạng Sơn đã xuất hiện các sản phẩm OCOP của Lạng Sơn. Đó là ngày 24/8/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức khai mạc phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023.

Từ ngày 28 đến ngày 30/9/2023 tại Quảng trường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương diễn ra chương trình trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiêu biểu của một số tỉnh, thành trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Chí Linh-Hải Dương năm 2023. Thành phố Lạng Sơn được mời tham gia trưng bày sản phẩm ở 1 gian hàng với các sản phẩm chủ yếu như: Vịt quay Hồng Xiêm, khau nhục, gà ủ muối hoa tiêu, chả vịt, măng ớt, trà diếp cá…

Từ ngày 14 đến ngày 17/9/2023, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, thành phố Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23-AgroViet 2023. Lạng Sơn cũng đã tham gia nhiều gian hàng với các sản phẩm như Vịt quay, thịt quay mắc mật, na Chi Lăng, rượu men lá, thạch đen Tràng Định, hồng vành khuyên… Đây đều là các sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

Đẩy mạnh sản phẩm OCOP, vươn ra xuất khẩu

Các sản phẩm OCOP của Lạng Sơn không chỉ được giới thiệu rộng rãi trong nước, mà cây thạch đen Tràng Định đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho cây thạch đen của huyện Tràng Định. Đến tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm thạch đen.

Trước đó, hồi năm 2021, khi thị trường Trung Quốc vẫn còn zero Covid hạn chế nhập hàng hoá vào nội địa, để tìm đầu ra cho sản phẩm thạch đen, ông Nguyễn Đình Đạt, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn chia sẻ, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero Covid nên khó khăn cho cây thạch đen.

“Để giải phóng hàng tồn kho cho bà con, tỉnh Lạng Sơn tổ chức chế biến sâu (chế biến tinh bột thạch) và tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác. Bước đầu đang kết nối với Ấn Độ, Tây Âu và châu Phi tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu”, ông Đạt cho hay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, các sản phẩm khẳng định được chất lượng và được cấp nhãn hiệu tập thể như: na, hồng, quýt… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 104 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 4 sao đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã… Mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, sở đã tổ chức, hỗ trợ trên 40 lượt chủ thể có sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh tham gia 11 hội chợ triển lãm, diễn đàn, hội nghị kết nối cung – cầu. Trong đó, mỗi hội chợ trung bình có 30 – 35 sản phẩm nông sản chủ lực, OCOP của các chủ thể được trưng bày, quảng bá. Đồng thời, mỗi năm, trung tâm tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện, đây cũng là 1 hoạt động thiết thực để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT, về cơ bản, các sản phẩm sau khi quảng bá, xúc tiến đã được khách hàng ngoài tỉnh biết đến và tiếp cận được nhiều khách hàng và thị trường tiềm năng hơn. Từ đó, sản lượng hàng bán ra được nâng lên, doanh thu các chủ thể đều tăng từ 10 – 15%/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạng Sơn đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO