Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống

Mai Linh | 12:28 28/09/2023

Là một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, nơi giao thoa kinh tế xuất – nhập khẩu biên mậu với nước bạn, Lạng Sơn luôn đổi mới cách quản lý các chợ truyền thống và tiểu thương thay đổi cách thức bán hàng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế vùng biên và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong vùng.

Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống
Chợ Đông Kinh, Lạng Sơn.

Hiện nay, không chỉ trên địa bàn thành phố, tại khu vực nông thôn, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò là kênh mua sắm, trao đổi hàng hóa chủ yếu của người dân. Không những vậy, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện tại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm thương mại.

Khắc phục tồn tại chợ truyền thống

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 82 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1, 11 chợ hạng 2, 69 chợ hạng 3. Chợ truyền thống là nơi giao thương hàng hóa và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ hiện đại và hoạt động thương mại điện tử đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ truyền thống. Nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại hoặc mua trực tuyến thay vì đến chợ. Doanh thu của các tiểu thương giảm sút hơn trước đó, đòi hỏi các tiểu thương tại chợ truyền thống phải từng bước thay đổi, đa dạng hóa cách thức phục vụ, mẫu mã sản phẩm để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

screen-shot-2023-09-28-at-11.35.56.png
Na là một trong các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh Lạng Sơn được người dân bày bán tại chợ truyền thống. Do thay đổi cách quản lý nên na được bố trí một dãy phục vụ người bán và người mua.

Không chỉ vậy, công tác quản lý chợ cũng phải nâng cao chất lượng. Bởi tại vùng nông thôn, chợ truyền thống còn tồn tại nhiều bất cập như một số ban quản lý chợ chưa quan tâm xây dựng phương án bố trí, sắp xếp điểm bán hàng theo các ngành hàng kinh doanh… Điều này dẫn đến không khai thác được hiệu quả các nguồn thu, nhiều chợ tổng số tiền thu phí chợ hằng năm không đủ bù đắp các khoản khấu hao, phục vụ sửa chữa, cải tạo và vệ sinh môi trường chợ.

Bà Hoàng Thu Hà, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ, trước đây khi hệ thống siêu thị chưa phát triển, chợ truyền thống là nơi bà con lựa chọn. Tuy nhiên, các mặt hàng bày bán ở chợ không được sắp xếp theo các ngành hàng, giá cả không được niêm yết… Vài năm trở lại đây, nhất là thời kỳ cao điểm dịch Covid-19, khi các chợ truyền thống có đợt thực hiện giãn cách xã hội, nên mua hàng ở siêu thị và trực tuyến là lựa chọn của gia đình.

Hay như chợ Pác Khuông, huyện Bình Gia, trước đây công tác bố trí sắp xếp ngành hàng chưa được thực hiện, cùng với đó vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, điều này cũng giảm sức thu hút khách hàng tới mua.

Trước những khó khăn, tồn tại của chợ truyền thống, các tiểu thương cũng đã nhanh chóng bắt nhịp và có những thay đổi nhất định trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, để hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả hoạt động, thời gian qua, ngành công thương đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan triển khai công tác tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý chợ.

Hiệu quả rõ rệt

Những năm gần đây, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã chủ động thích ứng, thay đổi tư duy kinh doanh, hướng đến cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Một số tiểu thương ở chợ Giếng Vuông (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho biết, nắm bắt được tâm lý người dân khi mua hàng, các tiểu thương ở đây đa dạng hình thức bán hàng, cung cấp các dịch vụ như ở kênh bán lẻ hiện đại. Đơn cử như nhận đặt hàng qua điện thoại, mang hàng đến tận nhà khách, thanh toán không dùng tiền mặt…

screen-shot-2023-09-28-at-11.38.50.png
Chợ Đồng Đăng khang trang, sạch đẹp.

Ngoài việc thay đổi cách thức bán hàng, các tiểu thương ở các chợ truyền thống cũng bày bán nhiều mặt hàng với nhiều chủng loại khác nhau, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của khách hàng, từ đó thu hút khách hàng quay trở lại chợ truyền thống.

Bà Hoàng Thu Hà, khách hàng lâu năm của chợ truyền thống cho biết, hàng hoá của chợ hiện phong phú hơn, rau củ quả, thịt, cá giá đều thấp hơn kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt tất cả đều tươi ngon. Hơn nữa, việc thanh toán cũng đơn giản hơn trước rất nhiều, đến 90% tiểu thương trong chợ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

“Nhờ việc thay đổi cách thức kinh doanh và chuẩn bị đa dạng các mặt hàng bán lẻ, nhờ đó hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ được duy trì ổn định, hàng hoá bán chạy hơn trước”, tiểu thương ở chợ Giếng Vuông chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý Thương Mại, Sở Công Thương cho biết, trước thực trạng công tác quản lý tại các chợ truyền thống chưa được nề nếp, từ năm 2022 đến nay, Sở này đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 3 cuộc tập huấn cho gần 300 người là lãnh đạo các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về thương mại tại UBND huyện; đại diện các xã; đại diện các doanh nghiệp, ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ và các hộ kinh doanh tại chợ trên địa bàn; cử chuyên viên phụ trách thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc về chuyên môn cho đội ngũ quản lý, vận hành, khai thác chợ trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đã cử cán bộ phụ trách lĩnh vực hỗ trợ ban quản lý các chợ hơn 80 lượt liên quan đến các vấn đề như: bổ sung kiến thức về kinh tế thị trường, các biện pháp quản lý chợ theo xu hướng hiện nay; việc xây dựng hệ thống chữa cháy, vệ sinh môi trường; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán tại các chợ.

Nhờ các buổi tập huấn cũng như hỗ trợ bổ sing các kiến thức về kinh tế, hầu hết các chợ truyền thống trong tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức, nâng cao công tác quản lý, áp dụng vào quản lý chợ đạt được một số hiệu quả tích cực.

Là người tham gia tập huấn, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định thấy rằng, công tác tập huấn đã giúp cho ông xây dựng lại nội quy hoạt động chợ phù hợp với thực tế; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lại điểm kinh doanh theo từng ngành hàng cụ thể; thành lập tổ đảm bảo trật tự và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… Với những thay đổi bước đầu đó đã góp phần giúp người dân mua sắm thuận tiện hơn và nâng cao ý thức về văn minh thương mại của hơn 300 tiểu thương kinh doanh tại chợ.

Hay như ở chợ Pác Khuông, huyện Bình Gia, từ công tác quản lý được xây dựng lại, 100% tiểu thương tại chợ đã ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong kinh doanh. Khoảng 50% số tiểu thương có gian hàng cố định biết quảng cáo, bán hàng trên mạng và cung cấp các đa dang dịch vụ tiện ích, phục vụ khách hàng.

Nhờ thế mà, qua đánh giá của Sở Công Thương, các chợ đã cơ bản dần biết khai thác hiệu quả các nguồn thu, vận động tiểu thương ứng dụng kinh tế số, bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội… góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá trong tỉnh. Trong 9 tháng năm 2023, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt 21.859,6 tỷ đồng, ước đạt 81,29% kế hoạch, tăng 17,91% so với cùng kỳ năm 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO