Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn vừa công bố, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 và 3 quý đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển ổn định và theo định hướng quy hoạch.
Chỉ số công nghiệp tăng 7,05%
Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn giữ được mức tăng cao đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đơn hàng mới từ thị trường trong nước, Trung Quốc, các nước EU… từ đó đẩy mạnh sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo hợp đồng các đơn đặt hàng và phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng 11,62% so với tháng trước, chủ yếu tăng ở ngành công nghiệp khai khoáng tăng 29,65%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 45,93%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,75% so với tháng trước. Có 6 ngành kinh tế giảm như: ngành in, sao chép bản in, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm, ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm…
Tuy nhiên, so với cùng kỳ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,04%. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,17%; sản phẩm đá xây dựng tăng 2,84%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,86%.
Cục Thống kê Lạng Sơn cho biết, sở dĩ một số ngành có chỉ số công nghiệp tăng cao như: ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 66,66% do nguyên liệu tại địa phương đáp ứng đủ cho quá trình sản xuất, thị trường nhập khẩu các sản phẩm từ gỗ từ Trung Quốc mở cửa trở lại các cơ sở chế biến nhận thêm nhiều đơn đặt hàng, đồng thời các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động tìm kiếm thị trường mới từ Châu Âu, các nước EU và các đơn hàng mới từ trong nước.
Tính về chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2023 so với cùng kỳ tăng 8,05% so với cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 2,44%, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,07%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,99%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,02%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước 9 tháng năm 2023 tăng 7,05% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,83%, đây là ngành tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm; sản xuất và phân phối điện tăng 4,35%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 1,0% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm trong 9 tháng có mức tăng trưởng khá cao góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống tăng 2 con số do nhu cầu tiêu thụ cho các hoạt động nhà hàng tăng; dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da tăng 12,9% do hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, nhu cầu đặt hàng gia công tăng cao, số lượng đơn đặt hàng gia công sản phẩm cho một số công ty trong nước tăng; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng tăng 36,62%…
Về chỉ số tiêu thụ tháng 9/2023 giảm 2,47% so với tháng trước và tăng 11,63% so với cùng kỳ. Cònchỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 9/2023 giảm 2,25% so với tháng trước và giảm 9,23% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2023 tăng 0,05% so với tháng trước và giảm 3,28% so với cùng kỳ.
Cuối năm tiếp tục khởi sắc
Có thể nói, tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 từ các địa phương tăng trưởng so với tháng trước, trong đó có tỉnh Lạng Sơn tăng trưởng cao đã đóng góp tích cực sản xuất công nghiệp chung 9 tháng của cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 5 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng của cả nước liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Cụ thể: sản xuất công nghiệp quý I và quý II đều giảm nhưng quý III đã có sự khởi sắc hơn, Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ.
Một số ngành chủ lực của Việt Nam phục vụ xuất khẩu đã có tín hiệu rất tích cực, như sản xuất giường tủ bàn ghế; sản xuất kim loại; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; sản xuất sản phẩm thuốc lá; sản phẩm hóa chất; sản phẩm từ cao su và plastic. Ngành điện tử, ngành may, da giày cũng đã có tín hiệu tốt hơn trong quý III.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn gặp khó khăn như sản xuất xe có động cơ, sản xuất mô tô xe máy.
Nhận định về triển vọng sản xuất các tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, quý IV/2023 sẽ khả quan hơn quý III/2023 cả về tình hình SXKD, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xuất khẩu.
“Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Đưa ra một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, Tổng cục Thống kê đề xuất:
Thứ nhất, các doanh nghiệp mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm.
Thứ hai, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Thứ ba, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD kịp thời và hiệu quả hơn.