Khối bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không ngừng tăng sức ảnh hưởng để đối trọng G7: Một thế giới tạo nên từ BRICS trông sẽ như thế nào?

Anh Dũng | 22:14 08/11/2023

BRICS liệu có thể thay đổi thế giới với những gì họ có trong tay?

Khối bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không ngừng tăng sức ảnh hưởng để đối trọng G7: Một thế giới tạo nên từ BRICS trông sẽ như thế nào?

Năm 2001, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã cùng nhau tạo thành nhóm thị trường mới nổi có tên là BRICS. Khi ấy, BRICS chiếm 19% tổng GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP). Hiện tại, khi tính cả các quốc gia chuẩn bị gia nhập khối, con số này tăng lên 36%. Các nhà kinh tế học dự đoán con số này sẽ tăng đến 45% vào năm 2040, cao hơn gấp đôi GDP của nhóm G7.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của BRICS đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, các thành viên của khối này có thị trường tự do hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Sức mạnh gia tăng này có thể mang lại những thay đổi sâu sắc. Mặt khác, khối này lại thiếu sự gắn kết sâu sắc và điều đó có thể cản trở các mục tiêu tham vọng của họ sau này, chẳng hạn như soán ngôi đồng USD.

BRICS xuất phát từ ý tưởng của cựu kinh tế trưởng Jim O'Neill của Goldman Sachs. Hai tiêu chí để trở thành thành viên của BRICS là quốc gia có nền kinh tế lớn và sẵn sàng tăng trưởng nhanh.

Ban đầu, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là những ứng cử viên sáng giá. Mỗi quốc gia góp một ký tự cho BRIC. Các nước BRIC ban đầu đạt được mức tăng trưởng vượt trội trong thập kỷ đầu tiên. Sau đó, Nam Phi gia nhập khối vào năm 2010 và bổ sung thêm chữ S cho BRIC.

Vào tháng 8/2023, BRICS đã mời thêm 6 quốc gia tham gia bao gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và UAE. Thay vì thêm chữ cái viết tắt, BRICS có thể sẽ được đổi tên thành BRICS+. Tiêu chí tham gia cũng được mở rộng hơn ban đầu.

Sức mạnh kinh tế = Sức ảnh hưởng chính trị

BRICS có thể đạt được mục tiêu này không? Khối này đang có lợi thế về quy mô, sự đa dạng và tham vọng.

Đầu tiên, BRICS mở rộng vốn đã lớn hơn G7 (nhóm bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ). Năm 2022, khối chiếm 36% nền kinh tế toàn cầu, lớn hơn so với con số 30% của nhóm các nền kinh tế tiên tiến. Các nhà kinh tế dự báo lực lượng lao động của BRICS sẽ ngày càng mở rộng và có nhiều dư địa để bắt nhịp công nghệ, nâng tỷ trọng BRICS lên 45% vào năm 2040. Trên thực tế, BRICS+ và G7 sẽ hoán đổi vị trí về quy mô trong thời gian từ 2001-2040.

Thứ hai, BRICS+ sẽ bao gồm những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới (Ả Rập Saudi, Nga, UAE và Iran) và một số nhà nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc và Ấn Độ). Nếu thành công trong việc chuyển đổi một số giao dịch dầu mỏ sang các loại tiền tệ khác, điều đó có thể có tác động dây chuyền đến tỷ trọng của đồng USD trong thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Thứ ba, việc làm giảm vị thế của đồng bạc xanh rõ ràng là một trong những ưu tiên của BRICS+. Trung Quốc từ lâu đã muốn nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu. Nga coi việc tái cơ cấu kinh tế hướng về Trung Quốc và rời xa châu Âu là lựa chọn hợp lý duy nhất khi xung đột Ukraine tiếp diễn. Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng kêu gọi khối đưa ra một giải pháp thay thế cho đồng USD.

5 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS.

Những thách thức phía trước của BRICS+

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, BRICS+ cũng có những thách thức sâu xa.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó, khiến động lực lớn nhất của khối đang bị lung lay. Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của BRICS trong thế kỷ 21 phần lớn là nhờ câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Bắc Kinh.

Trung Quốc tăng trưởng bình quân 9% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2019. Tốc độ đó dự kiến sẽ giảm xuống 4,5% vào thập niên 2020, 3% vào thập niên 2030 và 3% vào những năm 2040. Ấn Độ có thể là ngôi sao sáng tiếp theo, nhưng xét nhiều khía cạnh đều chưa thể sánh được với Trung Quốc.

Mặt khác, BRICS dù quy tụ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ về cùng một mối, nhưng nhiều quốc gia lại có cam kết sử dụng đồng USD. Các nhà sản xuất dầu như Ả Rập Saudi và UAE đã neo tỷ giá tiền tệ với đồng USD và cần dự trữ USD. Ngay cả khi không có tỷ giá cố định, hầu hết các quốc gia đều muốn thanh toán bằng đồng đô la Mỹ - phương tiện trao đổi được chấp nhận rộng rãi nhất trong thương mại quốc tế.

Cuối cùng, khối BRICS mở rộng vẫn còn thiếu sự gắn kết sâu sắc, khi giữa các quốc gia vẫn còn những “lục đục”.

Vậy các thể chế thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì sao? Điều này có thể mang tính chất khát vọng hơn thực tế. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) cho BRICS thiết lập giải ngân rất ít vốn, quy mô nhỏ và hạn chế. Trong khi đó, ý tưởng về đồng tiền BRICS vẫn còn khá xa vời. Vì Brazil đang cắt giảm lãi suất, Nga đang tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, còn UAE và Ả Rập Saudi thì hành động theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Đề cập đến những hạn chế trên không có nghĩa là sự trỗi dậy của BRICS không tác động gì đến nền kinh tế toàn cầu. Trọng tâm tương lai sẽ dịch chuyển về phía đông và nam nhiều hơn so với phương tây.

BRICS sẽ thay đổi thế giới, nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng GDP ngày càng tăng và hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau của họ hơn là nhờ việc hiện thực hóa các kế hoạch lớn của các nhà hoạch định chính sách.

Theo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khối bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không ngừng tăng sức ảnh hưởng để đối trọng G7: Một thế giới tạo nên từ BRICS trông sẽ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO