Sáng 28/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 03 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có mật độ dân số khá thấp với diện tích 3.358 km2, dân số gần 600 nghìn người.
Có tiềm năng phát triển du lịch; nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương.
Lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; bờ biển dài 105 km; là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Mục tiêu đến năm 2030, về kinh tế, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng.
Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53-54%; khu vực dịch vụ khoảng 34-35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12-13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2-3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030.
Quy hoạch mới của tỉnh Ninh Thuận được triển khai theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, đồng thời tập trung vào 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao.
Đó là trụ cột Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao và Xây dựng kinh doanh bất động sản.
Quy hoạch xác định 2 động lực tăng trưởng mới là: kinh tế biển và kinh tế đô thị. Đồng thời, tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh Ninh Thuận xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ.
Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai hiệu quả quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, ...