Là thành viên của Hội đồng tư vấn thẩm định Dự thảo Thông tư ban hành các Chuẩn mực TĐG Việt Nam, Hội thẩm định giá Việt Nam đã có ý kiến góp ý một số nội dung trong Dự thảo các Thông tư.
Cụ thể, về hồ sơ thẩm định, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động khi các Thông tư được ban hành ; Bảng so sánh nội dung giống, khác nhau giữa Tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành và Dự thảo Chuẩn mực mới. Do vậy, Hội thẩm định giá Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung thêm đầy đủ hồ sơ.
Về sự cần thiết và tính phù hợp của các Thông tư, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng các Thông tư dự kiến ban hành trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những bất cập của các Tiêu chuẩn Thẩm định giá hiện hành. Đồng thời, tuân thủ cơ sở pháp lý của Luật Giá năm 2023 thay thế Luật Giá năm 2012.
Đối tượng áp dụng của Thông tư đã xác định được cụ thể, rõ ràng các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thẩm định giá phải thực hiện Thông tư sau khi Thông tư có hiệu lực thi hành. Phạm vi điều chỉnh được giới hạn đúng chủ đề của Thông tư và phù hợp với yêu cầu toàn bộ nội dung cần hướng dẫn của Thông tư.
Về mặt nội dung, Thông tư phù hợp với đường lối của Đảng về việc thực hiện cơ chế giá thị trường; bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Giá, kế thừa những nội dung còn hợp lý của Tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành và bổ sung những nội dung mới, bảo đảm có sự tương thích với Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế mà hoạt động nghề nghiệp thẩm định giá Việt Nam là thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.
Ngoài ra, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng Thông tư quy định các chuẩn mực này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 để thay thế tất cả các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện hành mà không quy định có thời gian chuyển tiếp cho hoạt động thẩm định giá. Điều này dễ dẫn đến phát sinh những bất cập nhất định trong quan hệ với khách hàng thẩm định giá và việc xử lý các vấn đề nghiệp vụ thẩm định giá. Hội thẩm định giá Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu góp ý trong bản giải trình để bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp trong Thông tư.
Về đối tượng áp dụng, Hội thẩm định giá Việt Nam cũng nêu ra vấn đề :“ Tại các Thông tư đều có Khoản 3, Điều 2 viết theo mẫu “Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ 3 sử dụng kết quả thẩm định giá theo Hợp đồng thẩm định giá (nếu có) cần được xem lại vì có chuẩn mực như: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá thì đối tượng áp dụng chính là dành cho tổ chức, cá nhân thẩm định giá, đối tượng thứ 3 là không liên quan...’’ Mặt khác, nếu đối tượng là bên thứ 3 (nếu có) ở các Tiêu chuẩn khác không đồng ý ghi tên bên thứ 3 vào Hợp đồng hoặc không chịu trách nhiệm liên đới trong Hợp đồng do bên thẩm định giá và bên có tài sản tự thỏa thuận ghi tên vào, nhưng bên thứ 3 vẫn là người sử dụng kết quả thẩm định giá khi họ chấp nhận kết quả thẩm định giá đó họ có chịu trách nhiệm không?.
Từ vấn đề trên, Hội thẩm định giá Việt Nam kiến nghị phải có tổ chức, cá nhân phê duyệt sử dụng kết quả thẩm định giá thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.