Hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi “chảy” vào sản xuất cuối năm

PV | 15:07 21/12/2022

Sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng nhanh chóng triển khai các chương trình ưu đãi để đẩy vốn ra nền kinh tế. Dự kiến hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất sẽ được rót vào sản xuất cuối năm.

Hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi “chảy” vào sản xuất cuối năm
Nhiều ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi cho khách hàng. (Ảnh: Int)

Để triển khai theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, một loạt các ngân hàng có vốn nhà nước đã công bố gói tín dụng ưu đãi lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Theo đó, Vietcombank dành riêng gói tín dụng quy mô lên đến 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1% cho khách hàng. Agribank dành quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng để giảm 20% trên mức lãi suất khách hàng đang vay.

BIDV giảm lãi suất 0,5-2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng DN nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, đơn cử VPBank chính thức triển khai trên toàn hệ thống từ ngày 15/12 chương trình cho vay ưu đãi trị giá 7.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Với mức giảm lãi suất cho vay, áp dụng cho cả kỳ hạn vay ngắn và trung dài hạn, lên tới 1,5%/năm cho khách hàng SME, ngân hàng kỳ vọng chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh kịp thời, theo đó giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

"Để hỗ trợ nền kinh tế sau khi NHNN nới room tín dụng và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Dòng vốn cũng được định hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ", ông Hùng cho hay.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội cho biết, các DN đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian đình trệ do dịch Covid-19. Bản thân các DN xây dựng nhà ở xã hội nằm trong danh sách những lĩnh vực được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách hiện tại lại tập trung hỗ trợ cho người mua và người thuê nhà ở xã hội, trong khi các chủ đầu tư dự án lại không được hỗ trợ.

Giám đốc một doanh nghiệp ngành thủy sản cho rằng, dù room tín dụng đã mở, việc vay vốn vẫn rất khó khăn do quy định cho vay chặt chẽ. Vì vậy, vị giám đốc này rất mong năm 2023 các ngân hàng nới lỏng quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản vay.

Còn giám đốc một doanh nghiệp SME trong lĩnh vực sản xuất nông sản cho biết, doanh nghiệp được vay nhưng thủ tục chặt chẽ và số vốn vay cũng còn hạn chế. Trong khi đó thời điểm cuối năm doanh nghiệp rất cần vốn để nhập nguyên liệu sản xuất cho năm sau.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 - 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5 - 4%, tức là lượng vốn mà các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào.

"Các ngân hàng thương mại cũng "đốt đuốc" đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ một, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, trong vòng 3 tuần, chúng ta có room tín dụng 3,5 - 4% thì cực kỳ nhiều", lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại: Xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi “chảy” vào sản xuất cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO