Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua TP.HCM). Có mặt tại lễ kí kết gồm có Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trên cơ sở nội dung đã ký kết, nhất là tiến độ thực hiện GPMB, các địa phương cần nỗ lực hoàn thành dự án. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành và 4 địa phương phải lấy việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đường Vành đai 3 làm kiểu mẫu cho các dự án tiếp theo.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề nghị các địa phương đến 30/6/2023 phải có mặt bằng sạch, đủ điều kiện để khởi công dự án đường Vành đai 3. Công tác GPMB bảo đảm áp giá tốt nhất, đúng nhất, nhanh nhất và các kiến nghị, khiếu nại của người dân được giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND TP.HCM: “Công tác GPMB thành công sẽ lấy dự án đường Vành đai 3 làm kiểu mẫu thực hiện các dự án. Do vậy, cần tập trung giải quyết hồ sơ, rà soát thật kỹ, tiến hành điều tra xã hội học, tâm tư, tình cảm của người dân để giải quyết vấn đề phát sinh khác của người dân liên quan đến công tác GPMB. Có thể xem xét điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo nguyện vọng của người dân”.
Thêm vào đó, để triển khai các công việc tiếp theo của dự án được thông suốt, các sở ngành và 4 địa phương cần lưu ý đẩy mạnh công tác phối hợp, Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng triển khai phần mềm dự án nhằm giảm thời gian hội họp, báo cáo; Ban thi đua khen thưởng có chế độ khen thưởng đặc biệt cho địa phương vượt tiến độ trong công tác bồi thường GPMB.
Sở TN&MT thành phố, chịu trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh trong công tác thẩm định và trình UBND thành phố quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Với quyết tâm trên, UBND TP.Thủ Đức, cũng các quận huyện có dự án đi qua phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đường Vành đai 3 theo lộ trình: Tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng, và tháng 12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Theo đó, tới cuối năm 2025 có thể thông xe toàn tuyến Vành đai 3 và tới năm 2026 sẽ hoàn thành toàn dự án.
Về công tác cắm cọc mốc, theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, đến nay đã có 1.802/1.901 cọc mốc giải phóng mặt bằng được cắm tại 4 địa phương đạt 95% tổng khối lượng công việc. Trước ngày 20/10/2022, sẽ hoàn thành toàn bộ công tác cắm cọc và bàn giao ranh mốc cho 4 địa phương trên 45km đường Vành đai 3 đã được phê duyệt ranh.
Về công tác bàn giao ranh mốc, đến nay đã hoàn tất công tác bàn giao cho 9/13 xã, phường. Bốn xã, phường còn lại bao gồm: xã Phạm Văn Hai, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và phường Long Trường, phường Long Bình ( TP.Thủ Đức) do địa hình phức tạp nên sẽ hoàn tất công tác bàn giao trước ngày 20/10.
Riêng đối với 2 km thuộc khu vực nút giao Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các đơn vị sẽ phê duyệt ranh trước ngày 24/10 và hoàn thành công tác cắm mốc, giao ranh trước ngày 30/10.
Như vậy, chủ trương đầu tư đã có, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi một lẫn nữa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, nắm vững các mốc mục tiêu, để đưa dự án đường Vành đai 3 hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Dự án đường Vành đai 3 được xem là công trình trọng điểm quốc gia, tuyến đường chiến lược, vừa kết nối giao thông, vừa tạo hành lang đô thị, công nghiệp. Dự án không chỉ có vai trò quan trọng với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An mà nó còn có ý nghĩa rất lớn đối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.