Cơ quan giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm đánh thuế tăng với người sở hữu nhiều bất động sản

Lê Sáng | 08:26 28/10/2024

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản.

Cơ quan giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm đánh thuế tăng với người sở hữu nhiều bất động sản
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quochoi media

Sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

Theo báo cáo của đoàn giám sát, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Đoàn giám sát cũng lưu ý chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác.

Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn tại bất cập nhiều năm, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, gây mất cân đối cung - cầu.

Trong giai đoạn 2015-2021, thị trường địa ốc phát triển sôi động với nhiều loại hình “mới lạ” như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... Riêng condotel và officetel có gần 100.000 căn do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế và hàng chục nghìn căn do các địa phương thẩm định. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng.

Đến các năm 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước, khiến giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập. Điển hình Hà Nội, TP HCM không còn phân khúc chung cư có giá phù hợp với thu nhập phần đông người dân.

Thị trường dư thừa nhà ở cao cấp trong khi nhà ở bình dân, nhà xã hội - phân khúc dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp - lại thiếu do chậm triển khai. Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Chẳng hạn, Hà Nội đạt 9% chỉ tiêu, còn TP HCM khoảng 19%.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế nhà để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao, thị trường bị giới đầu cơ chi phối. Đề xuất này sau đó được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính nhưng một số chuyên gia cho rằng khi đánh thuế sẽ đẩy giá nhà, đất tăng. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng chính sách thuế không làm tăng giá nhà đất, ngược lại giúp hạn chế đầu cơ, thổi giá.

Thực tế cho thấy chính sách thuế nhà được đưa ra nhiều lần trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên đến nay giải pháp này vẫn "nằm trên giấy". Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là chưa đúng thời điểm, lo ngại tác động mạnh tới thị trường, thậm chí do "thiếu quyết tâm chính trị".

Ngoài chính sách thuế bất động sản, đoàn giám sát đề nghị các bộ ngành có biện pháp điều tiết, ngăn chặn tình trạng thị trường phát triển "nóng" hoặc "đóng băng", ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Chính phủ cần có giải pháp giúp đa dạng sản phẩm cho thị trường, tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập đa số người dân. Nhà chức trách cũng cần có giải pháp ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá đất để tạo "sốt" giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Cơ quan giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm đánh thuế tăng với người sở hữu nhiều bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO