Các câu hỏi phỏng vấn marketing dễ gặp và cách trả lời ăn trọn điểm

PV | 06:40 24/03/2023

Marketing là một trong những nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhất hiện nay. Đó không chỉ là nghề mang lại nguồn thu nhập tốt, nhiều cơ hội việc làm mà còn giúp bạn phát triển đa dạng các kỹ năng cùng lúc. Tuy nhiên là một ngành tương đối rộng nên những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn cũng “muôn hình, vạn trạng”.

Các câu hỏi phỏng vấn marketing dễ gặp và cách trả lời ăn trọn điểm

Dưới đây là nhóm các câu hỏi phỏng vấn Marketing phổ biến và cách trả lời giúp bạn “ăn trọn điểm” từ nhà tuyển dụng.

Nhóm câu hỏi về cá nhân

Khi bắt đầu buổi phỏng vấn các vị trí việc làm ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng trên CareerLink hay nhiều trang tìm việc khác, bạn sẽ được hỏi: “Em hãy giới thiệu về bản thân”. Nhiều bạn nghĩ mục đích câu hỏi mang tính chất làm quen. Tuy nhiên, nó quan trọng hơn nhiều, thậm chí là câu hỏi để nhà tuyển dụng biết, có nên “đi tiếp” với bạn hay không. Thêm nữa, đây còn là câu hỏi kiểm tra kỹ năng “marketing” của ứng viên.

Do đó, hãy coi mình là một “sản phẩm” và “chào bán” cho nhà tuyển dụng. Bạn cần khẳng định giá trị, khả năng đóng góp cho doanh nghiệp. Hãy để họ thấy bạn sở hữu các yếu tố doanh nghiệp đang cần bằng cách đưa năng lực nổi trội nhưng phù hợp với công việc và tiêu chí nhà tuyển dụng.

Ngoài câu hỏi trên, bạn còn có thể đối mặt với câu hỏi “Lý do bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”. Lí do là nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về bạn trong quá khứ để đánh giá vấn đề xảy ra ở công ty cũ có khả năng lặp lại công ty mới không?

Câu hỏi này, bạn đừng sa vào những chuyện mang tính cá nhân hay mâu thuẫn mà nên trả lời theo hướng tích cực như vì thay đổi mục tiêu, muốn thử sức ở môi trường mới…

Nhóm câu hỏi về định hướng nghề nghiệp

Ở nhóm nội dung này, câu hỏi phỏng vấn Marketing phổ biến là: “Định hướng/dự định của anh/chị như thế nào?”. Từ câu trả lời nhận được, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn có phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp có mang tới cơ hội đáp ứng mong muốn của bạn không.

Bởi vậy, bạn cần cá nhân hóa câu trả lời, bởi mỗi cá nhân sẽ có định hướng, mục tiêu khác nhau. Khi trả lời bạn cũng nên chia sẻ một cách chân thành. Vì chỉ khi hai bên thực sự hiểu nhau thì mới có thể đồng hành và mang lại cho nhau những cơ hội tốt.

Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng muốn hiểu sâu hơn về cách ứng viên thực hiện mục tiêu. Họ muốn biết ứng viên dành thời gian trau dồi kiến thức, tìm hiểu về ngành nghề ra sao bằng cách yêu cầu bạn chia sẻ một cuốn sách mới đọc, khóa học mới tham gia. Để thuyết phục, bạn cần dẫn chứng cụ thể. Ví dụ, sau khi nêu tên cuốn sách, bạn cần chia sẻ nội dung sơ lược, bài học nhận được, hay một câu trích dẫn tâm đắc...

Nhóm câu hỏi liên quan đến kỹ năng, kinh nghiệm

Câu hỏi phổ biến sẽ là: “Điểm mạnh/điểm yếu của bạn là gì”; “Bạn có kinh nghiệm gì”... Mục đích nhà tuyển dụng muốn biết, bạn có trải nghiệm như thế nào trong nghề, có năng lực ra sao.

Với nhóm câu hỏi này, bạn không nên liệt kê tất cả những gì mình có. Bạn cần chắt lọc theo tiêu chí: phù hợp, có tác động lớn tới kết quả công việc, khác biệt và tích cực.

Ví dụ khi nói về kinh nghiệm, bạn cần dẫn chứng cụ thể về chiến dịch, dự án Marketing đã tham gia. Khi triển khai, bạn gặp khó khăn ra sao và nhờ kỹ năng, kinh nghiệm bạn đã tạo ra kết quả gì.

Khi nói về điểm yếu, hãy thể hiện cái nhìn lạc quan. Hãy cho họ thấy tinh thần cầu tiến, sẵn sàng được học hỏi. Đây là phẩm chất nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bởi nghề này đặc biệt đòi hỏi ứng viên phải liên tục thích nghi, thay đổi và học hỏi nếu muốn thành công với nghề.

Nhóm câu hỏi công ty/ sản phẩm/chiến dịch Marketing

“Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?” là câu hỏi nhà tuyển dụng dùng để biết tiêu chí chọn việc, khả năng gắn bó với doanh nghiệp của ứng viên. Bạn cần chỉ ra những giá trị của doanh nghiệp phù hợp với bạn. Tuy nhiên, giá trị đó không dễ nhìn thấy nên bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty, công việc.

Ngoài ra, bạn có thể nhận được câu hỏi liên quan đến chiến dịch Marketing từ “đối thủ” của doanh nghiệp hoặc có tên tuổi trên thị trường. Mục đích họ muốn biết quan điểm làm nghề, cách bạn tiếp nhận, giải quyết một chiến dịch Marketing.

Do vậy, trước khi vào buổi phỏng vấn, bạn đừng quên cập nhật thông tin về ngành, về thị trường cũng như quan sát, tìm hiểu đối thủ của công ty. Bằng cách hiểu rõ thông tin liên quan đến doanh nghiệp, không khó để bạn chứng tỏ sự nghiêm túc với cơ hội việc làm. Qua đó nhà tuyển dụng có thể kỳ vọng vào một nhân sự có trách nhiệm, tâm huyết và gắn bó lâu dài sau khi trúng tuyển.

Trên đây là nhóm câu hỏi phỏng vấn Marketing thường gặp. Tuy nhiên, với mỗi vị trí cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên và tập trung vào các câu hỏi khác nhau. Do đó, muốn “hạ gục” nhà tuyển dụng, bạn cần dành thời gian chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn để luôn sẵn sàng với bất kỳ câu hỏi nào.


(0) Bình luận
Các câu hỏi phỏng vấn marketing dễ gặp và cách trả lời ăn trọn điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO