Tờ Business Insider (BI) cho biết nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã có buổi hỏi đáp với nhân viên vào ngày 16/3 vừa qua sau khi công bố đợt sa thải lần thứ 2 với hơn 10.000 người mất việc. Động thái này diễn ra khi Meta từng có cuộc đại sa thải trước đó vào tháng 11/2022, cắt giảm 13% lao động và tuyên bố năm 2023 sẽ là năm của sự “hiệu quả”.
Tuy nhiên trong cuộc họp, sự bất an của nhân viên lộ rõ, nhất là khi có người hỏi liệu họ có còn tin tưởng được sự lãnh đạo của người cầm đầu nữa không sau 2 lần sa thải lớn.
“Tôi đoán rằng việc bạn lựa chọn có nên tin tưởng tôi không hay có muốn làm việc ở công ty này nữa không tùy thuộc vào việc liệu chúng ta có thể thành công hay không, có thể đạt được những mục tiêu đề ra hay không nữa. Ngoài ra việc đó còn phụ thuộc vào liệu bạn có thực sự hiểu những gì tôi đang cố gắng làm hay không, rằng tôi đã cố gắng để minh bạch, đồng thời làm những gì tốt nhất có thể để chứng minh mình có thể làm được”, Mark Zuckerberg nói.
Ngoài ra, nhà sáng lập Facebook còn trấn an nhân viên rằng anh hiểu mọi người đang bị áp lực sa thải nhưng công ty cũng đang làm mọi thứ có thể để giúp nhân viên thích ứng được với sự tái cấu trúc tổ chức.
Bất chấp những lời bào chữa đó, nhiều chuyên gia nhận định việc Meta sa thải lượng lớn nhân viên liên tục sẽ gây ảnh hưởng nặng đến hiệu suất làm việc của mọi người trong công ty cũng như tạo thách thức cho việc tuyển dụng sau này.
Tờ BI nhận định dù cố trấn an nhân viên và nhắc đi nhắc lại về năm 2023 “hiệu quả” nhưng Mark Zuckerberg lại chẳng hề nói chi tiết việc công ty sẽ chấm dứt tình trạng sa thải lượng lớn lao động này như thế nào.
Theo nhiều chuyên gia, tiến trình tái cấu trúc của Meta sẽ diễn ra trong nhiều tháng, một số lao động sẽ mất việc tiếp vào cuối tháng 4/2023 hoặc sang tận cuối tháng 5 nếu tình hình kinh doanh không khả quan hoặc cổ đông chưa hài lòng. Thậm chí, nhiều nhóm nhỏ nhân viên sẽ còn mất việc rải rác cho đến tận cuối năm.
Việc có thể mất việc bất cứ lúc nào, cùng với kiểu đuổi việc khá lạnh lùng của Meta khiến tâm lý nhân viên công ty cực kỳ bất ổn và chẳng thế có chuyện lao động năng suất, hiệu quả trong năm 2023 như lời Mark Zuckerberg nói.
“Mark cố nói với mọi người rằng: ‘Hãy tin tưởng vào tôi, tôi sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn nhưng có chuyện gì xảy ra thì bạn sẽ chịu hết’”, giáo sư Sandra Sucher của trường đại học Harvard Business School nhận định về vụ việc của Meta.
Bộ máy quan liêu
Giáo sư Anita Williams Woolley của trường đại học Carnegie Mellon University nhận định Mark Zuckerberg đang cố gắng thu nhỏ tổ chức lại để hoạt động hiệu quả hơn, thế nhưng ý tưởng đưa công ty trở về thời kỳ năng suất như trước đây là khá khó.
Những dữ liệu lịch sử cho thấy một doanh nghiệp có thể đổi tên hoặc chuyển chiến lược kinh doanh nhưng hầu hết đều giới hạn việc sa thải người ồ ạt số lượng lớn. Nguyên nhân là việc cắt giảm nhân sự quá mạnh tay sẽ đem lại nhiều hệ lụy đến năng suất lao động, uy tín của công ty và thậm chí là sự nghi ngờ với khả năng lãnh đạo của người cầm đầu.
Theo giáo sư Woolley, Mark Zuckerberg đang có vẻ muốn đưa Meta về lại thời kỳ đầu của Facebook khi công ty có sự linh hoạt cao, nhanh gọn và nhiều cải tiến. Thế nhưng việc đuổi người liên tục như hiện nay sẽ chỉ làm gia tăng sự nghi ngờ, bất an của mọi người chứ chẳng đem lại hiệu quả gì.
Cho dù nhà sáng lập này có cố trấn an hay kêu gọi mọi người tin tưởng mình ra sao đi chăng nữa thì một sự thật không thể chối cãi là vì những quyết định sai lầm của Mark Zuckerberg mà vô số người bị mất việc làm hoặc lâm vào cảnh khó khăn.
“Bộ máy quan liêu mà Mark Zuckerberg nghĩ rằng có thể loại bỏ được trong tổ chức của mình dựa trên sự phát triển và thói quen vận hành suốt nhiều năm nay của công ty. Bởi vậy ý định giải quyết chúng bằng cách đuổi bớt nhân viên sẽ chẳng thể thành công”, giáo sư Woolley nhận định.
*Nguồn: BI