3 điểm nhấn của thị trường phía Nam
Chia sẻ mới đây, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản phía Nam đã bước ra khỏi “vùng đáy” sau thời gian dài trầm lắng nhờ niềm tin đã được khôi phục.
Từ cuối năm 2023 đến nay, có 3 khía cạnh chính thể hiện dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản, bao gồm tác động từ chính sách, lãi suất ngân hàng và sự trở lại của niềm tin.
Trước hết, nếu xét theo các số liệu của thị trường, bất động sản phía Nam đã bước ra khỏi “vùng đáy”, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, được các chuyên gia dự đoán sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ cuối quý 2/2024.
Tại Tp.HCM, kết thúc quý 1/2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 61.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng hồi phục còn lan rộng ra các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... với lượng tin rao bán và tìm kiếm nhà đất trong tháng 3/2024 đã tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước. Nguồn cung liên tục được cải thiện khi nhiều dự án của các chủ đầu tư lớn được chào bán ra thị trường.
Thứ hai, những hỗ trợ về chính sách và lãi suất của Chính phủ cùng NHNN đã đậm nét hơn. Riêng tại Tp.HCM, đến nay đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn. Sở TN&MT Thành phố cũng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân.
Về lãi suất, các đợt giảm lãi suất huy động xuống mức kỷ lục, xoay quanh mức 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, cùng với mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh. Điều này đã phần nào giúp các nhà phát triển bất động sản dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với người mua nhà nói chung.
Thứ ba, ở chiều doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã tự ý thức được việc tái cơ cấu bộ máy, sản phẩm để “sống sót” trong bối cảnh điều chỉnh của thị trường nên đã có những bước chuyển đổi phù hợp. Ngược lại, về phía khách hàng, số lượng nhà đầu tư có nhu cầu tìm kiếm bất động sản gia tăng tại hầu hết các thị trường như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu... chứng tỏ niềm tin đã quay trở lại.
Căn hộ chung cư đang là “ngôi sao sáng”
Theo ông Trần Quốc Dũng, niềm tin là yếu tố quan trọng quyết định tới việc phục hồi của thị trường bất động sản. Đặc biệt là khi nó được nâng đỡ bởi 3 bộ luật “xương sống” đã được thông qua là Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi.
Theo đó, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi sẽ tạo cơ hội “làm thật, ăn thật” cho những doanh nghiệp uy tín, góp phần minh bạch thị trường. Từ nay đến thời điểm luật có hiệu lực ngày 1/1/2025, những chủ đầu tư dự án địa ốc sẵn sàng về hồ sơ pháp lý, có năng lực triển khai thi công, năng lực tài chính vững chắc và tập trung vào phân khúc thị trường cần sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Đối với Luật Đất đai sửa đổi, những điểm mới liên quan đến các quy định về quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư cho người dân... có tính đồng bộ cao với các luật chuyên ngành khác; đồng thời, các quy định về bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất hằng năm tiệm cận với giá thị trường là những thay đổi rất tích cực...
Sắc luật mới kỳ vọng sẽ tạo nên một hành lang pháp lý đầy đủ, giúp nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá “vô tội vạ” sẽ không còn nữa, tạo động lực cho thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục và phát triển bền vững.
Ông Dũng nhấn mạnh, đây sẽ là vấn đề mấu chốt để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục được dự báo sẽ rõ ràng từ quý 2/2024. Trong đó, một số phân khúc có thể sẽ đi trước để dẫn đầu đà phục hồi của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực. Căn hộ chung cư đang là “ngôi sao sáng” khi có mức độ quan tâm tăng cao và đã có thanh khoản trở lại. Điều này cũng rất hợp lý, vì sau tất cả thị trường sẽ chú trọng vào nhu cầu vốn có và cơ bản nhất – nhu cầu về một ngôi nhà để an cư, đặc biệt là khi giá căn hộ đang tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, nhà ở xã hội cũng được xem là phân khúc “bắt mạch” đúng nhu cầu của thị trường. Ngay sau đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành đã ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Theo Bộ Xây dựng, đã có 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 47.532 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Cùng với đó, một số điều chỉnh cũng giúp thu hút được nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào phân khúc này hơn.
Ngoài ra, nhờ sự khởi sắc mạnh mẽ của ngành du lịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ “rã băng”. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đây là tín hiệu rất tích cực giúp phân khúc nghỉ dưỡng có cơ hội cải thiện khoảng 20-30% so với năm ngoái.