Rời quán bar về nhà trong một đêm năm 2015, Geerte Piening cảm thấy mình cần đi vệ sinh. Thế nhưng, đã tới giờ đóng cửa ở khu vực Leidseplein sôi động của Amsterdam, đồng nghĩa với việc cô không thể đi vệ sinh nhờ ở bất cứ một quán nào đó. Nhà vệ sinh công cộng gần nhất cách chỗ cô 2km.
Trải qua một quãng thời gian đấu tranh tư tưởng, Piening quyết định nhờ bạn bè che chắn để “giải quyết nỗi buồn” trong một con hẻm. Không lâu sau, cô lĩnh án phạt 140 euro vì đi tiểu ở nơi công cộng.
Cảm thấy sự bất công và nỗi tức giận dâng trào, Piening bức xúc: “Gần đó có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng dành cho nam giới và tôi không thể sử dụng chúng. Đây rõ ràng là một vấn đề”.
Cô gái 21 tuổi khi đó đã khiếu nại án phạt dành cho mình, trong đó nêu rõ Amsterdam có 35 nhà vệ sinh công cộng dành cho nam giới nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh công cộng dành cho nữ giới. Đó rõ ràng là một sự bất tiện.
Sau 2 năm trôi qua mà không có phản hồi chính thức, Piening bất ngờ bị triệu tập tới tòa án vì khoản tiền phạt chưa đóng. Quá bức xúc, cô đã lan truyền thông tin về vụ việc lên mạng xã hội và truyền thông. Sự việc cũng ngay lập tức thu hút sự chú ý của báo chí. Tại tòa, thẩm phán bác bỏ đơn kháng cáo của cô gái nhưng giảm tiền phạt xuống còn 90 euro.
Thẩm phán cũng đưa ra quan điểm riêng của mình, cho rằng Piening lẽ ra nên dùng nhà vệ sinh dành cho nam giới (dù có phần khó chịu) thay vì đi vệ sinh ở nơi công cộng. Piening chỉ biết cười trừ nhưng trên khắp đất nước Hà Lan, người ta phản ứng gay gắt hơn rất nhiều. Các cuộc tuần hành nổ ra ở các thành phố trên khắp đất nước, kêu gọi phụ nữ thách thức quan điểm của thẩm phán.
Thậm chí, một phong trào chống phân biệt giới tính trong vấn đề nhà vệ sinh công cộng đã nổ ra ở Hà Lan. Trong số những người ủng hộ có cả Ilana Rooderkerk, lúc đó là ủy viên hội đồng thành phố Amsterdam.
Bà Rooderkerk, hiện là thành viên quốc hội Hà Lan, cho biết: “Có những thứ bạn không thể làm lơ. Đây chính là ví dụ hoàn hảo cho điều đó. Rõ ràng yêu cầu phụ nữ sử dụng bồn tiểu dành cho nam giới là không công bằng và cũng chẳng thuận tiện”.
Sự đồng thuận của phụ nữ Hà Lan đã tạo ra một sự thay đổi. Amsterdam đã bắt đầu xây dựng các nhà vệ sinh di động ở các địa điểm công cộng đồng thời cũng thông báo công chúng có thể sử dụng cơ sở vật chất tại các địa điểm như đồn cảnh sát và sở cứu hỏa để giải quyết nhu cầu hết sức bình thường này.
Thế nhưng, cũng phải mất tới 9 năm, phụ nữ Hà Lan mới có được chiến thắng cuối cùng. Trong tháng này, Amsterdam cho biết nhà vệ sinh công cộng mới có khả năng hỗ trợ người sử dụng xe lăn sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10. Con số đầu tư chưa chính thức vào khoảng 4 triệu euro cho chương trình này.
Tham khảo: Guardian