
Ngày 12/6/2025, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thông báo chứng nhận đăng ký cổ phiếu và cấp mã chứng khoán F88 cho Công ty cổ phần Đầu tư F88. Theo kế hoạch, trong tháng 7, F88 sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM, trở thành chuỗi cho vay cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam lên sàn chứng khoán.
Dù trễ 1 năm so với kế hoạch, F88 lại lên sàn vào một thời điểm đặc biệt: Thị trường chứng khoán kỷ niệm 25 năm ngày giao dịch đầu tiên và đứng trước một ngưỡng cửa mở ra rất nhiều cơ hội mới.

Việc trở thành công ty đại chúng và lên sàn chứng khoán có ý nghĩa như thế nào đối với F88, thưa ông?
Đó là một cột mốc có ý nghĩa chiến lược đối với chúng tôi. Nó mang lại ‘tính chính danh’ cho cả F88 và ngành tài chính thay thế.
Trong tương lai gần, chúng tôi đặt mục tiêu đưa F88 trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính bình dân tại Việt Nam. Để đạt được điều đó, F88 sẽ phải nâng cao tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp. Trở thành công ty đại chúng và niêm yết vừa là động lực, vừa là bắt buộc F88 phải tuân theo các tiêu chuẩn đó.
Trước đây, mô hình kinh doanh của chúng tôi luôn đối mặt với những định kiến. Việc F88 được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận hồ sơ, cho phép giao dịch công khai góp phần xác lập một ngành tài chính thay thế ở Việt Nam, một ngành mà trước đây chưa được gọi tên rõ ràng. Tôi tin rằng đây không chỉ là thành quả của riêng F88, mà còn là sự công nhận của thị trường với sự tồn tại của các công ty có mô hình kinh doanh giống như F88.
F88 đã vượt qua những vấn đề gì để đi đến sự công nhận chính thức này?
Cho vay tài chính thay thế là một ngành nhạy cảm và trước F88, chưa từng có doanh nghiệp nào trong ngành niêm yết. Vì vậy, phải nói rằng đây là một quá trình rất khó khăn.
Để có được sự công nhận chính thức này, chúng tôi đã mất hơn một thập kỷ để thay đổi định kiến của xã hội và giúp mọi người hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ngành nghề này, chứng minh với các cơ quan quản lý rằng đây là một mô hình kinh doanh thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.
Điều này đòi hỏi sự kiên trì và đầu tư cực kỳ nghiêm túc để xây dựng nền tảng vững chắc từ quản trị rủi ro, minh bạch thông tin, công nghệ cho đến văn hóa doanh nghiệp. Chỉ khi có một nền tảng thực sự tốt, chúng tôi mới có đủ tự tin để trình bày và thuyết phục các bên.

Theo kế hoạch ban đầu, F88 lên sàn vào năm 2024 với định giá kỳ vọng là 1 tỷ USD, nhưng năm nay mới thực hiện được. Sự chậm trễ kéo theo khó khăn, hay ông cho rằng thời điểm này sẽ phù hợp hơn?
Việc kế hoạch bị trễ hơn dự kiến đến từ nhiều yếu tố, bao gồm cả điều kiện thị trường chưa thuận lợi và cả những sự cố mà bản thân công ty phải đối mặt để vượt qua. Công tác chuẩn bị cũng mất nhiều thời gian hơn dự tính. Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm hiện tại lại là một sự phù hợp nhất định.
Đưa cổ phiếu lên UPCoM chỉ là bước đầu. Lộ trình của F88 là sẽ niêm yết trên HOSE, có thể vào đầu năm 2027. Thị trường đang tốt dần lên và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đều là những tín hiệu rất tích cực.
Về mặt định giá, con số 1 tỷ USD trước đây là kỳ vọng, là một mục tiêu đột phá mà chúng tôi đặt ra để đội ngũ cùng nỗ lực. Ở F88, chúng tôi hay "dám mơ" những mục tiêu lớn như vậy. Còn khi đã niêm yết, định giá sẽ phụ thuộc vào thị trường. Việc của công ty là làm tốt nhất để tạo ra kết quả kinh doanh tốt nhất, khi đó thị trường sẽ tự đánh giá.
Cổ phiếu của Srisawad – chuỗi cho vay lớn tại Thái Lan đã sụt giảm rất mạnh trong năm qua, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Vậy việc F88 lên sàn vào đúng thời điểm này có khiến nhà đầu tư lo ngại, cho rằng mô hình kinh doanh của các ông cũng sẽ gặp khó khăn tương tự không?
Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ có cái nhìn khác, bởi vì bối cảnh của hai thị trường hiện tại là hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất, mọi người đều biết kinh tế và thị trường chứng khoán Thái Lan trong thời gian qua đang tương đối kém. Sự sụt giảm của một doanh nghiệp đơn lẻ cũng chịu ảnh hưởng chung từ bối cảnh vĩ mô đó.
Ngược lại, tôi rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Chính phủ chúng ta vẫn đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao. Hàng loạt chính sách, nghị quyết mới được ban hành đều ủng hộ mạnh mẽ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là những tín hiệu rất tốt về kinh tế. Vì vậy, câu chuyện của F88 sẽ khác với những gì đang diễn ra ở thị trường bạn.

Áp lực tăng trưởng lợi nhuận từ các cổ đông là một thực tế không thể tránh khỏi với mọi công ty đại chúng. F88 sẽ làm thế nào để dung hòa áp lực này với sứ mệnh của công ty là “thay đổi cách tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng dưới chuẩn”?
Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi sẽ không bao giờ đi chệch hướng sứ mệnh đó và sẽ không có sự đánh đổi giữa sứ mệnh và mục tiêu kinh doanh.
Đúng là khi trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán thì áp lực từ các nhà đầu tư về việc luôn phải tạo ra lợi nhuận cao là rất lớn. Cũng không loại trừ sẽ có những cổ đông mong muốn chúng tôi phải tăng trưởng bằng mọi cách. Nhưng nếu làm như vậy, tôi tin rằng F88 sẽ không thể đi được con đường dài. Một công ty như F88 không thể phát triển bền vững nếu như từ bỏ sứ mệnh xã hội của mình để tối đa hóa lợi nhuận.
Về việc tăng trưởng sau niêm yết, F88 cũng đã chuẩn bị những nền tảng để đảm bảo đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư trong 3-5 năm tới.
F88 đang hoạt động trong phân khúc khách hàng dưới chuẩn. Quy mô của phân khúc này rất lớn và chúng tôi đang là đơn vị dẫn đầu. Các ngân hàng hay công ty tài chính lớn khác không tham gia vào phân khúc này. Các chuỗi cầm đồ khác có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Với quy mô thị trường như vậy, F88 tự tin có đủ dư địa tăng trưởng cho nhiều năm tới.
Công ty cũng đã xây dựng được một mạng lưới cửa hàng phủ khắp toàn quốc, kế hoạch sắp tới sẽ đạt 1.000 cửa hàng giao dịch. Chúng tôi đang nỗ lực để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí vận hành và tăng cường quản lý rủi ro.
Và đặc biệt, chúng tôi sẽ đa dạng hóa các dịch vụ tài chính tiện ích, không chỉ dừng lại ở cho vay, để tạo ra nhiều nguồn doanh thu bền vững khác.
Ngay bây giờ, F88 không chỉ đơn thuần cung cấp các khoản vay cầm cố. Chúng tôi cung cấp cả các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Chúng tôi đã làm việc với từng đối tác để cùng nhau tạo ra những sản phẩm phù hợp nhất với tệp khách hàng của F88 và phân phối trên các kênh của mình.
Mục tiêu của F88 là đến năm 2027 sẽ chuyển dịch từ tỷ trọng 90% từ cho vay như hiện nay xuống còn khoảng 70% từ cho vay và 30% từ các hoạt động khác như dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác...

F88 vừa có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 13 lần thông qua phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 1.200% từ thặng dư vốn. Điều này nhằm mục đích gì?
Đây là một hoạt động rất bình thường. Vốn điều lệ của F88 chỉ khoảng 83 tỷ đồng, nhưng thặng dư vốn đã hơn 1.000 tỷ đồng. Bản chất của việc phát hành cổ phiếu lần này là chuyển từ vốn thặng dư sang vốn điều lệ, không ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu.
Sau đó, chúng tôi cũng sẽ thực hiện chia tách cổ phiếu. Trước đây, cổ phiếu F88 khá cô đặc, nên việc chia tách sẽ giúp đưa giá cổ phiếu về một mức hợp lý hơn, và như thế, khi giao dịch trên sàn, các nhà đầu tư mới có thể dễ dàng tham gia. Điều này giúp tạo thanh khoản và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới.

Ông có nhắc đến việc F88 đang dẫn đầu trên thị trường tài chính cho những khách hàng dưới chuẩn. Với một thị trường béo bở, không chỉ có mình ông nhìn thấy cơ hội, vì sao F88 vượt lên hẳn và giữ vững vị trí dẫn đầu đó?
Thị trường này rất tiềm năng, ai nhìn cũng thích, nhưng rào cản gia nhập vô hình lại cực kỳ lớn.
Đối với các đối thủ trong nước, họ thường thất bại khi mở rộng quy mô. Nhiều chuỗi mở được 10-20 cửa hàng thì hoạt động ổn, nhưng khi bắt đầu mở rộng, họ không kiểm soát được rủi ro. Thậm chí có chuỗi mở 100 cửa hàng chỉ trong một năm và ngay năm sau đã "bay màu" khỏi thị trường.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, dù có kinh nghiệm và vốn mạnh, họ lại gặp rào cản về sự am hiểu địa phương. Họ có thể mở rộng nhanh chóng nhưng sau đó phải thu hẹp lại vì kinh doanh không hiệu quả do không thấu hiểu tâm lý của khách hàng và cách quản lý con người Việt Nam.
Chìa khóa thành công của F88 nằm ở thời gian và quá trình thử nghiệm lặp đi lặp lại.
F88 đã dành ra 5 năm đầu tiên, từ 2013 đến 2018, chỉ để vận hành 40 cửa hàng. Chúng tôi không vội mở rộng. Chúng tôi dùng khoảng thời gian đó để thử nghiệm mô hình và sản phẩm, để thực sự hiểu điều gì là phù hợp với khách hàng của mình.
Trong quá trình đó, chúng tôi liên tục kiểm thử các mô hình rủi ro khác nhau, thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng, từ đó xây dựng các mô hình chấm điểm tín dụng. Yếu tố quan trọng nhất chính là thời gian thực chiến trên thị trường để có thể hiểu được khách hàng.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn phải chạy thử nghiệm khoảng hơn 10 sản phẩm khác nhau cùng một lúc để tìm ra sản phẩm phù hợp tiếp theo. Các đối thủ bên ngoài có thể nhìn vào mô hình F88, sao chép sản phẩm, quy trình, nhưng chưa chắc họ đã làm được.
Tóm lại, chúng tôi phải có một thời gian đủ lâu để tiếp cận, nói chuyện, quan sát hành vi của khách hàng, từ đó "làm giàu" kho dữ liệu của mình. Dựa trên dữ liệu đó, chúng tôi mới thiết kế ra những sản phẩm phù hợp và xây dựng được mô hình kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Không chỉ thế, F88 còn đầu tư rất lớn để xây dựng nền tảng ban đầu. Các chuỗi nhỏ hơn sẽ không đầu tư cả một hệ thống "back-office" về công nghệ và con người như F88, bao gồm trung tâm phân tích dữ liệu, trung tâm trải nghiệm khách hàng, trung tâm quản trị rủi ro... vì chi phí quá cao.
Chiến lược của F88 là chấp nhận đầu tư nhiều, thậm chí chịu lỗ trong ngắn hạn, để xây dựng một nền tảng vững chắc. Nhờ đó, khi chúng tôi mở rộng quy mô ra lớn hơn, nền tảng này có thể đáp ứng và giúp kiểm soát toàn bộ hoạt động.

Việc làm giàu dữ liệu và xây dựng mô hình đánh giá rủi ro của các ông có được học hỏi từ một mô hình chuẩn của nước ngoài hoặc của ngành ngân hàng không?
Mô hình đánh giá rủi ro tại F88 do chúng tôi tự xây dựng lên. Tất nhiên, chúng tôi dựa trên những nguyên lý cơ bản về xây dựng mô hình quản trị rủi ro, có tham khảo ý kiến tư vấn và học hỏi kinh nghiệm của một số công ty hoạt động rất thành công trong cùng lĩnh vực ở nước ngoài, như Srisawad tại Thái Lan. Từ những nguyên tắc cơ bản của quản trị rủi ro, kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài đã thành công, chúng tôi tùy chỉnh lại để có một mô hình phù hợp nhất với phân khúc khách hàng của F88. Một mô hình quản trị rủi ro và chấm điểm tín dụng phải được xây dựng dựa trên hai yếu tố cốt lõi là đặc điểm của tệp khách hàng mà mình phục vụ và quy trình của công ty.
Chúng tôi không thể lấy mô hình của một đơn vị khác áp vào được. Ví dụ, lấy mô hình chấm điểm rủi ro của ngân hàng đưa vào F88 chắc chắn sẽ sai. Hay như trên thị trường có nhiều bên bán các gói "score" (chấm điểm) sẵn, nhưng chúng chỉ mang tính tham khảo.
Một chỉ số quan trọng mà chúng tôi sử dụng là tỷ lệ xóa sổ khoản vay thuần và tỷ lệ này của F88 là 5%.
Sở dĩ có sự khác biệt này là vì cách tính của chúng tôi phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh. Các khoản vay của F88 rất ngắn hạn, nếu chỉ xét tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại một thời điểm như cách các ngân hàng thường làm, nó sẽ không phản ánh hết rủi ro. Thay vào đó, chúng tôi phải xét theo từng đợt giải ngân.

F88 có khách hàng trung thành nào không, khi họ cần vay tiền và họ chỉ đến tìm F88?
Điều mà chúng tôi thực sự muốn là khách hàng vay tiền ở F88 chỉ để giải quyết một khó khăn tạm thời, sau đó họ vượt qua được giai đoạn đó, làm ăn khấm khá và lấy lại được tài sản của họ. Đó mới là niềm vui trọn vẹn của chúng tôi.
Chúng tôi muốn đồng hành cùng sự thịnh vượng của khách hàng, chứ không muốn họ mãi mãi là 'con nợ' của mình.
Lý tưởng nhất là sau này, khi họ đã vững vàng về tài chính, họ quay lại F88 không phải để vay nợ, mà để sử dụng các dịch vụ khác. Ví dụ như mua một gói bảo hiểm an tâm cho gia đình, hay đầu tư tích lũy cùng F88. Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài dựa trên sự phát triển của khách hàng, chứ không phải trên những khoản nợ của họ.

Bên cạnh những câu chuyện may mắn như vậy, có lẽ có nhiều hoàn cảnh éo le, khi khách hàng tìm đến F88 như một cứu cánh cuối cùng?
Đúng vậy, có rất nhiều hoàn cảnh như thế, và chúng thực sự giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình.
Chúng tôi có một quy trình hỗ trợ riêng. Các bạn ở bộ phận quản lý tài sản sẽ báo cáo về hoàn cảnh đặc biệt của khách hàng. Dựa trên đó, công ty sẽ có những phương án xử lý nhân văn, tùy vào từng trường hợp, có thể là giãn nợ, cơ cấu lại khoản vay, hoặc thậm chí là xóa nợ cho khách hàng.
Khi biết được những câu chuyện phía sau khách hàng, chúng tôi càng hiểu rằng tệp khách hàng của mình thực sự là những người yếu thế. Họ đến với chúng tôi không chỉ để kinh doanh, mà còn để chữa bệnh, để đóng học cho con, để trả tiền thuê nhà... và F88 có một trách nhiệm lớn lao hơn là chỉ cho vay đơn thuần.

Quay lại thời điểm khởi nghiệp, ông có tư duy "nghĩ lớn làm lớn" ngay từ đầu không, hay chỉ đơn thuần là muốn kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó?
Ngay từ đầu, tôi đã muốn làm lớn. Quyết định đó không đến một cách dễ dàng. Trước khi chính thức bắt tay làm F88, tôi đã mất hai năm chỉ để nghiên cứu và đấu tranh với chính mình về việc có nên làm hay không. Trước đó, tôi làm về an ninh thông tin, khi chuyển sang làm cầm đồ thì sẽ nói với gia đình như thế nào, bạn bè sẽ nghĩ về mình ra sao?
Trong hai năm đó, tôi nghiên cứu kỹ và nhận ra tiềm năng khổng lồ của thị trường. Về mặt xã hội, đây là một ngành có ý nghĩa lớn, đáp ứng nhu cầu có thật của rất nhiều người dân không thể tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Về mặt pháp lý, đây là một ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép, trên thế giới đã có các mô hình tương tự và trở thành những doanh nghiệp tỷ đô, có chuỗi hàng nghìn cửa hàng. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, tiềm năng thị trường quá lớn và gần như bỏ ngỏ.
Khi đã quyết định làm, tôi xác định phải làm lớn và làm bài bản ngay từ đầu. Mọi thứ đều được tính toán kỹ lưỡng: cửa hàng phải khác biệt hoàn toàn, phải khang trang, sạch đẹp, nằm ở mặt đường. Nhân viên phải là nữ để tạo sự thân thiện. Màu sắc thương hiệu phải là màu xanh của niềm tin. Ngay cả hệ thống công nghệ quản lý cũng được đầu tư xây dựng ngay từ những ngày đầu tiên.
Tư duy đó được cụ thể hóa bằng một tầm nhìn rất rõ ràng. Năm 2016, khi F88 mới có 10 cửa hàng, chúng tôi đã cùng nhau đặt ra mục tiêu đến năm 2021 phải có 300 cửa hàng, đạt định giá 300 triệu USD và có mặt trên 63 tỉnh thành. Đó là tuyên bố đầu tiên cho khát vọng "làm lớn" của chúng tôi.

Việc nhận được những khoản vốn lớn, doanh nghiệp phát triển quy mô nhanh chóng thường khiến nhiều nhà sáng lập bị "ngợp" khi năng lực quản trị của bản thân không theo kịp. Ông có từng trải qua giai đoạn này không?
Có chứ. Đó là một thử thách mà tôi nghĩ bất kỳ người sáng lập nào cũng phải đối mặt khi con thuyền của mình lớn quá nhanh. Để vượt qua, điều đầu tiên và khó nhất là phải học cách dẹp bỏ cái tôi của mình. Phải chấp nhận rằng mình không biết hết mọi thứ và chủ động tìm kiếm, đưa về những người giỏi hơn mình. Không chỉ mời họ về, mà còn phải thực sự lắng nghe, học hỏi từ họ.
Khi cảm thấy mình không đủ năng lực, cách duy nhất là phải học không ngừng. Chúng tôi xây dựng một văn hóa học tập ăn sâu vào tổ chức, nơi lãnh đạo phải là người học nhiều nhất. Trong suốt 7 năm vừa qua, chúng tôi học liên tục, từ việc thuê chuyên gia bên ngoài về tư vấn, đến việc tham gia các khóa học về quản trị, và đặc biệt là về "chuyển hóa con người".
Kinh nghiệm của tôi cho thấy, kiến thức chuyên môn có thể mời chuyên gia về, nhưng rào cản lớn nhất của một nhà lãnh đạo chính là giới hạn của bản thân họ. Khi cảm thấy mình không đủ năng lực, cách duy nhất là phải đi học.

Làm thế nào những người giỏi hơn ông lại chịu về làm việc cùng ông?
Để thuyết phục được người tài, tôi tin rằng phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Yếu tố tiên quyết là sứ mệnh và giấc mơ của tổ chức. Chúng ta phải chia sẻ được một câu chuyện, một tầm nhìn đủ lớn, đủ ý nghĩa để chạm đến khát vọng cống hiến của họ.
Sau đó, phải cho họ thấy một nền tảng văn hóa và một môi trường thực sự tốt, nơi họ được hỗ trợ để phát triển, được trao quyền, và được là chính mình.
Dĩ nhiên cũng cần có cam kết về thành quả trong tương lai, rằng khi công ty đạt được thành tựu, tất cả sẽ cùng nhau được hưởng những thành quả xứng đáng.
Và cuối cùng, tất cả những điều trên phải được xây dựng trên một nền tảng duy nhất: sự chân thành. Tôi luôn tâm niệm "có gì nói nấy", không "chém gió" hay tô hồng mọi thứ. Sự chân thành sẽ tạo ra niềm tin, và một khi đã có niềm tin, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Sau một cột mốc thành công lớn như IPO, nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro "bệnh đột kim", tức là sự tự mãn của đội ngũ khi giàu lên nhanh chóng. F88 có chiến lược gì để giữ được "lửa" và đảm bảo rằng IPO thực sự chỉ là vạch xuất phát?
Tôi không lo lắng lắm về việc này, vì chúng tôi đã chuẩn bị cho nó từ trước bằng cả tư tưởng và cơ chế.
Thứ nhất, về mặt tư tưởng, chúng tôi đã truyền thông rất rõ ràng và nhất quán với toàn bộ anh em rằng IPO không phải là đích đến, nó chỉ là một cột mốc quan trọng ở vạch xuất phát. Đây là thời điểm chúng ta có thêm nguồn lực, có thêm sự công nhận để thực hiện một giấc mơ còn lớn hơn rất nhiều. Việc này giúp mọi người giữ được tinh thần chiến đấu và không ngủ quên trên chiến thắng, vì chặng đường phía trước còn rất dài.
Thứ hai, về mặt cơ chế, trong cơ cấu quản trị, chúng tôi không để công ty phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào và luôn có backup cho từng vị trí. Chúng tôi cũng rất thẳng thắn và cảnh báo trước rằng không được lơ là công việc. Chúng tôi tạo ra một thông điệp rõ ràng rằng ai ở lại cống hiến sẽ còn đạt được những thành quả lớn hơn rất nhiều trong tương lai, thậm chí còn xây dựng cả chính sách bảo hiểm hưu trí để giữ chân nhân viên gắn bó lâu dài.

Theo hình dung của ông, F88 trong 5 năm tới sẽ như thế nào?
Trong 5 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô dư nợ khoảng 25-30% mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ thấp hơn một chút. Lý do là vì chính sách của công ty luôn hướng đến khách hàng, chúng tôi sẽ liên tục cố gắng giảm chi phí vay mà khách hàng phải trả. Do đó, dù dư nợ tăng lên, doanh thu có thể sẽ tăng với tốc độ chậm hơn.
Giấc mơ lớn của chúng tôi trong tương lai là F88 sẽ trở thành một tập đoàn tài chính toàn diện, một người bạn đồng hành tin cậy phục vụ người dân. Điều đó có nghĩa là, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó, khách hàng có thể tiếp cận mọi dịch vụ tài chính cần thiết trong cuộc sống.
Hiện tại chúng tôi đang làm tốt mảng cho vay, nhưng tới đây chúng tôi sẽ mở rộng ra các sản phẩm cho vay khác nữa. Sâu hơn, chúng tôi sẽ phát triển mạnh mảng dịch vụ ngân hàng, để người dân có thể đến F88 không chỉ để vay tiền, mà còn để mở tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, hay thậm chí là gửi tiết kiệm.
Và bức tranh hoàn chỉnh nhất chính là vòng đời của khách hàng. Chúng tôi muốn là nơi cung cấp đầy đủ các giải pháp tài chính cho người dân. Một người hôm nay tìm đến F88 vì đang gặp khó khăn, nhưng 2-3 năm sau, khi họ đã khá giả, họ có thể quay lại F88 để sử dụng các sản phẩm đầu tư.
Bài: Ngọc Điệp
Ảnh: Việt Hùng
Thiết kế: Hải An