Vào những năm 1970, Nippon Steel từng là niềm tự hào công nghiệp của Nhật Bản và là tập đoàn thép lớn nhất thế giới. Nhưng kể từ những năm 2000, ánh hào quang ấy đã lu mờ khi các đối thủ đến từ Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ. Năm 2024, Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu, đẩy Nhật Bản xuống hàng sau trong chuỗi giá trị.
Nhưng mới đây, chủ tịch kiêm CEO Eiji Hashimoto của Nippon Steel tuyên bố "giành lại vị trí số 1" trong 10 năm tới, với kế hoạch nâng sản lượng thép từ 57,8 triệu tấn (2024) lên 100 triệu tấn/năm, tăng hơn 60% so với hiện tại, một tham vọng chưa từng có.
Với việc hoàn tất thương vụ thâu tóm U.S. Steel trị giá 14,1 tỷ USD, Nippon Steel đã chính thức khởi động chiến lược đầy táo bạo này.
Chủ tịch kiêm CEO Eiji Hashimoto khẳng định: "Chúng tôi sẽ trở thành một công ty hàng đầu thế giới để lại ước mơ và lựa chọn cho thế hệ tiếp theo."

Tuy nhiên, hành trình này không hề trải hoa hồng, đặc biệt khi đối thủ chính là một Trung Quốc đang thống trị với sản lượng khổng lồ và chính sách xuất khẩu thép giá rẻ.
Cựu vương trở lại
Thương vụ U.S. Steel không chỉ đơn thuần là một vụ mua bán, mà là một nước cờ chiến lược của Nippon Steel, đồng thời cũng là tuyên bố trở lại cuộc chơi toàn cầu. Với khoản đầu tư dự kiến 11 tỷ USD vào U.S. Steel đến năm 2028, Nippon Steel đặt mục tiêu nâng sản lượng tại Mỹ từ 14,18 triệu lên hơn 34 triệu tấn. Ngoài ra, hãng sẽ xây mới các nhà máy, phát triển công nghệ sản xuất thép điện và thép xanh, điều U.S. Steel hiện vẫn thiếu.
Đây là động thái nhằm tận dụng tiềm năng lớn của thị trường Mỹ, nơi ông Hashimoto tin rằng vẫn còn "rất nhiều dư địa để mở rộng sản xuất nội địa" khi tỷ lệ tự cung tự cấp thép vẫn ở mức 55%.
Việc Nippon Steel cam kết không cắt giảm năng lực sản xuất tại Mỹ và cử hàng chục kỹ sư Nhật Bản sang hỗ trợ U.S. Steel cho thấy quyết tâm nâng cao hiệu quả và chất lượng tại đây. Mục tiêu không chỉ là tăng sản lượng, mà còn là nâng cấp công nghệ sản xuất các loại thép giá trị gia tăng cao như thép điện từ, thứ mà U.S. Steel hiện chưa thể làm được. Đây là chìa khóa để cạnh tranh không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng.
Lựa chọn thời điểm này không phải ngẫu nhiên. Khi nhu cầu thép tại Trung Quốc đang chững lại do khủng hoảng bất động sản và dân số già hóa, Trung Quốc dư cung và đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ ra toàn cầu – gây bất bình ở Mỹ, EU và các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, ngành thép Mỹ đang thiếu hụt kỹ sư, công nghệ cũ kỹ, nhưng lại được chính quyền hỗ trợ bằng các chính sách như Đạo luật giảm lạm phát (IRA) và thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Nippon Steel tăng tốc, mở rộng sản xuất tại Mỹ, đồng thời tránh các rào cản thương mại.
Trên thực tế Nippon Steel đã từng là nhà sản xuất thép số 1 thế giới vào đầu những năm 1970, nhưng đã đánh mất vương miện vào tay các đối thủ Trung Quốc vào những năm 2000.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm gần 50% sản lượng thép toàn cầu và đang đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ ra thị trường quốc tế do nhu cầu nội địa yếu. Điều này tạo ra áp lực rất lớn lên giá cả và lợi nhuận của các nhà sản xuất khác.

Ông Hashimoto thừa nhận sự khó khăn khi "đã quá muộn cho một số thị trường Đông Nam Á", những thị trường mà thép Trung Quốc đã thiết lập được sự hiện diện mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Nippon Steel không lùi bước. Họ chọn cách "tiên hạ thủ vi cường" tại các thị trường tăng trưởng tiềm năng như Ấn Độ. Thông qua liên doanh với ArcelorMittal, Nippon Steel đặt mục tiêu tăng sản lượng thép thô tại Ấn Độ thêm 15 triệu tấn trong 10 năm tới.
"Chúng tôi sẽ không cho phép Trung Quốc tăng cường sự hiện diện," ông Hashimoto tuyên bố.
Ở châu Âu, U.S. Steel hiện có 4,5 triệu tấn công suất tại Slovakia, và Nippon sẵn sàng mở rộng lên 10 triệu tấn nếu kinh tế khu vực phục hồi.
Thách thức
Nền kinh tế Nhật Bản đang chứng kiến nhu cầu thép nội địa chững lại và dự kiến sẽ giảm mạnh trong tương lai. Điều này buộc Nippon Steel phải hướng ra biển lớn. Việc đầu tư mạnh vào U.S. Steel và các thị trường quốc tế là minh chứng rõ ràng cho chiến lược này.
CEO Hashimoto đúc kết một quan điểm quan trọng: "Nếu không sản xuất thép với số lượng lớn, công nghệ không thể được duy trì và phát triển. Quy mô là điều cần thiết."
Điều này cho thấy tham vọng của Nippon Steel không chỉ dừng lại ở việc tăng doanh thu, mà còn là bảo vệ và phát triển năng lực công nghệ cốt lõi của mình thông qua quy mô sản xuất.
Tuy nhiên tham vọng của Nippon Steel là rất lớn, nhưng cũng không thiếu chông gai. Áp lực dư thừa công suất toàn cầu, các rào cản thương mại ngày càng tăng, và đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ Trung Quốc sẽ là những thử thách thường trực.
Baowu, HBIS và các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc vẫn có lợi thế quy mô và chi phí, sẵn sàng bán phá giá để giữ thị phần.
Ngoài ra để hiện thực hóa mục tiêu 100 triệu tấn thép/năm, Nippon Steel cần tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD trong 10 năm tới, trong bối cảnh biên lợi nhuận ngành thép rất mong manh.
Bởi vậy khả năng tích hợp thành công U.S. Steel và các hoạt động toàn cầu, cùng với việc duy trì ưu thế công nghệ, sẽ quyết định liệu giấc mơ giành lại ngôi vương của Nippon Steel có thành hiện thực hay không.

Thêm nữa, Nippon Steel có những quân bài riêng: công nghệ sản xuất sạch, thép cao cấp dùng cho xe điện, hàng không và các ngành công nghiệp tương lai. Đó là sân chơi mà Trung Quốc chưa thể thống trị tuyệt đối.
Trong cuộc chơi thép toàn cầu, không chỉ sản lượng, mà chất lượng, công nghệ và vị thế địa chính trị mới là yếu tố then chốt. Do đó cuộc chiến giành lại vị trí dẫn đầu ngành thép thế giới chắc chắn sẽ là một câu chuyện đáng theo dõi trong thập kỷ tới.
*Nguồn: Nikkei, Fortune