Cục diện môi giới ngành chứng khoán: Hơn 60 công ty chia nhau “miếng bánh” vỏn vẹn 30% thị phần

Tuệ Giang | 23:00 07/07/2025

Thị phần môi giới ngành chứng khoán đang bị "dồn cục", với lợi thế nghiêng hẳn về những cái tên lớn.

Cục diện môi giới ngành chứng khoán: Hơn 60 công ty chia nhau “miếng bánh” vỏn vẹn 30% thị phần

Cuộc đua sống còn trong mảng môi giới giữa hàng chục công ty chứng khoán đang khốc liệt hơn bao giờ hết. Theo thống kê mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Việt Nam hiện có 74 công ty chứng khoán hoạt động. Tuy nhiên, trong quý 2/2025, 10 công ty top đầu đã nắm giữ tới 68% thị phần giá trị giao dịch môi giới, để lại phần “miếng bánh” chỉ 32% cho toàn bộ 64 công ty còn lại.

Con số này phản ánh một thực tế đang ngày càng rõ nét khi thị phần môi giới đang tập trung hóa, với lợi thế nghiêng hẳn về những cái tên lớn. Nhìn từ phía ngược lại, hàng chục công ty tương ứng gần 90% tổng số lượng công ty toàn ngành lại đang phải cạnh tranh gay gắt để tranh nhau từng phần nhỏ của thị phần còn sót lại.

Chỉ số ít công ty thống trị thị trường môi giới

Việc thị phần môi giới ngày càng tập trung vào nhóm công ty dẫn đầu không phải là điều bất ngờ. Những cái tên như SSI, VNDirect, Mirae Asset, HSC... đều đã có thời gian dài hoạt động trên thị trường, xây dựng được thương hiệu uy tín, tệp khách hàng lớn cùng độ phủ truyền thông mạnh. Sự quen mặt, hiệu ứng lan tỏa từ mạng lưới môi giới và sự hiện diện dày đặc trên các nền tảng thông tin khiến các công ty này trở thành lựa chọn mặc định của nhiều nhà đầu tư  mới thay vì các tên tuổi ít tiếng tăm hơn.

Không dừng lại ở đó, các công ty top đầu còn sở hữu nền tảng vốn lớn, cùng khả năng huy động mạnh mẽ từ các tổ chức nước ngoài hoặc ngân hàng mẹ. Đây chính là lợi thế lớn trong cuộc đua cung cấp dịch vụ margin. Khả năng cấp hạn mức cao, giải ngân nhanh và lãi suất cạnh tranh là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư cá nhân. Càng nhiều khách hàng sử dụng margin, dư nợ cho vay càng tăng và ngược lại, chính dư địa cho vay lớn cũng giúp các công ty này liên tục nới rộng thị phần.

Ngoài ra, nhờ quy mô vượt trội nhóm dẫn đầu cũng có đủ sức chấp nhận lỗ ở mảng môi giới trong ngắn hạn như một chiến lược đánh chiếm thị phần. Các chính sách như miễn phí giao dịch, giảm phí tư vấn, ưu đãi margin... được triển khai linh hoạt như “nam châm” hút dòng tiền mới. Khi khách hàng đã gia nhập hệ sinh thái, các công ty này có nhiều cơ hội bán chéo sản phẩm, từ quản lý tài sản cá nhân, cho vay ký quỹ, đến đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hay thậm chí là tư vấn M&A và IPO cho nhóm khách hàng tổ chức.

Ở chiều ngược lại, hơn 60 công ty còn lại đang phải cạnh tranh trong một “chiến trường” chật hẹp hơn và đầy áp lực. Không có thương hiệu mạnh, không đủ vốn để nâng cấp công nghệ, nguồn vốn không đủ lớn, nhiều công ty chưa thể tạo dấu ấn rõ nét. Một số công ty phụ thuộc quá nhiều vào một vài cá nhân môi giới chủ chốt hoặc lãnh đạo hay bị mắc kẹt trong một định vị trung gian không đủ mạnh để chơi lớn, nhưng cũng không đủ đặc biệt để đi ngách. Điều này khiến khả năng thu hút và giữ chân khách hàng ngày càng yếu đi.

Đặc biệt, sự trỗi dậy của nhóm công ty chứng khoán nước ngoài với tiềm lực tài chính hùng hậu và nền tảng công nghệ vượt trội cũng khiến cuộc đua thị phần môi giới càng thêm chông gai. Các CTCK ngoại mang đến những chuẩn mực dịch vụ mới, hệ sinh thái đa kênh, và đặc biệt là chính sách margin cạnh tranh tạo ra làn sóng tái cấu trúc mạnh mẽ trong ngành.

Môi giới vẫn là “chiếc chìa khóa” mở ra hệ sinh thái đầu tư

Đằng sau cuộc đua giành ngôi vương tại mảng môi giới trong nhóm chứng khoán có nhiều điểm chú ý. Thực tế cho thấy không hẳn công ty chiếm nhiều thị phần đồng nghĩa lợi nhuận môi giới thu về sẽ lớn hoặc ngược lại. Việc có thể "xưng vương" trong cuộc chiến giành thị phần môi giới cũng đồng nghĩa nhiều công ty chứng khoán phải bỏ ra nhiều chi phí để thu hút khách hàng khiến lợi nhuận bị bào mòn đáng kể, thậm chí thua lỗ.

Theo thống kê, quý 1/2025 tổng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới tại các CTCK tiếp tục giảm quý thứ 3 liên tiếp (so với quý liền trước) xuống còn khoảng 2.700 tỷ đồng. Con số này giảm 7% so với quý cuối năm 2024 và là mức trong vòng 8 quý trở lại đây. Nguồn thu sụt giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của bị co lại đáng kể xuống 11,1% trong quý đầu năm.

Cụ thể, VPS giảm biên lợi nhuận môi giới từ mức 15% quý liền trước xuống còn 14% trong quý 1/2025, giảm sâu so với mức 26% của quý 1/2024. HSC cũng giảm biên lãi gộp từ 23% xuống còn 18%. Thậm chí, Mirae Asset tiếp tục lỗ gộp, biên lãi môi giới hiện âm tới 13%, Chứng khoán KB hay Yuanta cũng ghi nhận mức âm với mảng môi giới.

Ngay cả với trường hợp của TCBS, nhiều quý trước đó biên lãi gộp luôn được duy trì trên ngưỡng 80%, đồng nghĩa 10 đồng doanh thu ít nhất có 8 đồng lãi, tuy nhiên con số này đã thu hẹp về mức 50% - 65% trong nhiều quý trở lại đây.

Dù nguồn thu ngày càng thu hẹp, song nghiệp vụ môi giới vẫn là một trong những mảng quan trọng bậc nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán, không chỉ bởi doanh thu trực tiếp mà còn vì tệp khách hàng có thể tạo ra giá trị lớn hơn nhiều trong tương lai. Một tệp khách hàng mạnh không chỉ mang về doanh số giao dịch, mà còn là nền tảng cho các sản phẩm tài chính khác tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, từ trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ cho tới các dịch vụ quản lý tài sản cá nhân, tư vấn đầu tư.


(0) Bình luận
Cục diện môi giới ngành chứng khoán: Hơn 60 công ty chia nhau “miếng bánh” vỏn vẹn 30% thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO