Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch “vỡ òa” cảm xúc. Cú nhấn ga tăng tốc mạnh mẽ giúp VN-Index cán mốc 1.400 điểm sau hơn 3 năm. Đóng cửa phiên 7/7, VN-Index bật tăng hơn 15 điểm (tương đương 1,09%) lên mốc 1.402 điểm.
Sự đồng thuận của dòng tiền cùng tâm lý nhà đầu tư được cải thiện tạo nên một phiên giao dịch bùng nổ. Giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng cao, ghi nhận hơn 26.300 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Kể từ sau cú "sập hầm" thuế quan đầu tháng 4/2025, VN-Index đã chứng kiến mức hồi phục tới hơn 300 điểm chỉ trong 3 tháng, một trong những đợt tăng mạnh và nhanh nhất lịch sử. Đà tăng này không chỉ phản ánh tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại sau biến động, mà còn cho thấy lực cầu đang quay lại mạnh mẽ với nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đây có phải khởi đầu của “sóng” tăng trưởng mới, hay chỉ là một nhịp phục hồi kỹ thuật trước khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh?
Bình luận về diễn biến này, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) cho biết vận động tích cực của thị trường được hỗ trợ bởi số liệu vĩ mô tích cực khi GDP quý 2/2025 tăng trưởng mạnh 7,96%. Thêm nữa, yếu tố thúc đẩy đà tăng tới từ hiệu ứng khả quan của chứng khoán Mỹ khi S&P 500 và NASDAQ liên tục vượt đỉnh và việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng với động lực quan trọng từ dòng tiền Diamond ETF.
Với góc nhìn ngắn hạn, chuyên gia dự báo VN-Index nhiều khả năng sẽ pull-back (rung lắc, điều chỉnh ngắn) để kiểm định độ bền của ngưỡng kỹ thuật 1.400 điểm trước khi mở rộng đà tăng.
Với góc nhìn trung hạn, trong tháng 7/2025, ông Tâm dự báo chỉ số thị trường sẽ mở rộng biên độ dao động và chủ yếu giao dịch trong kênh giá 1.350 – 1.425 điểm. Việc chỉ số gia tăng độ biến động trong tháng 7 chủ yếu đến từ trạng thái kỹ thuật, khi VN-Index bật tăng mạnh mẽ trong 2 tháng qua nhưng chưa có các nhịp điều chỉnh đủ lớn để hấp thụ nguồn cung. Đồng thời, các chỉ báo động lượng của VN-Index (ví dụ RSI) đang liên tục duy trì trong vùng quá mua.
Về hành động, mặc dù chỉ số thị trường đang duy trì quán tính tăng mạnh đi cùng với sự ủng hộ của thanh khoản, ông Tâm khuyến nghị chiến lược nắm giữ sẽ phù hợp hơn với nhà đầu tư trong ngắn hạn thay vì mua mới hoặc tăng tỷ trọng.
Điều này được giải thích bởi điểm mua hợp lý các nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền trong thời gian qua như Ngân hàng, Tiêu dùng, Chứng khoán, Bất động sản,... đang dần ít đi. Biến số từ chính sách thuế quan của ông D.Trump vẫn hiện hữu, đặc biệt khi nhà đầu tư đang chờ đợi công bố chính thức từ Mỹ về mức thuế đối ứng cuối cùng.
Với riêng Việt Nam, chúng ta cần quan tâm cách xác định “hàng hóa trung chuyển” và mức thuế áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
"Nhà đầu tư chỉ nên giải ngân mới chỉ khi thị trường và các cổ phiếu dẫn dắt xuất hiện các nhịp điều chỉnh hoặc tạo nền tích lũy đi cùng với khối lượng thu hẹp", vị chuyên gia ASEANSC cho hay.
Đồng thời, ông Tâm cũng khuyến nghị nhà đầu tư “chậm chân” không nên vội vàng dù thị trường tăng liên tục bởi trong các giai đoạn VN-Index bùng nổ nhất (như sóng Tăng 2020 – 2021), chỉ số và các cổ phiếu tiềm năng vẫn xuất hiện các nhịp điều chỉnh đáng kể để hình thành các điểm mua mới cho nhà đầu tư đến sau.
Theo vị chuyên gia, triển vọng của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2025 đầy khả quan nhờ (1) chính sách vĩ mô thuận lợi khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang được điều hành theo hướng nới lỏng, (2) LNST toàn thị trường trong nửa cuối năm được dự báo tăng trưởng 14% YoY - 16% YoY, (3) triển vọng nâng hạng TTCK theo khung phân loại của FTSE Russell giúp thị trường có thể hưởng lợi nhờ dòng vốn phân bổ từ các Emerging ETFs cũng như các quỹ chủ động.
Một số nhóm ngành tâm điểm
Trong nửa cuối năm, đội ngũ phân tích Chứng khoán Asean điểm tên các cổ phiếu tiềm năng thuộc về ngành Ngân hàng, Chứng khoán và Bán lẻ - Tiêu dùng.
Cụ thể hơn, ngành Ngân hàng được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt khi việc Luật hóa Nghị quyết 42 góp phần hạ nhiệt tỷ lệ nợ xấu. Nhóm Chứng khoán được đánh giá hưởng lợi nhờ triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong khi nhóm Bán lẻ - Tiêu dùng cũng sẽ được hỗ trợ bởi (1) chính sách duy trì giảm thuế VAT đến hết năm 2026, (2) cao điểm chống hàng giả, hàng kém chất lượng giúp cầu tiêu dùng dịch chuyển về các thương hiệu đầu ngành và uy tín bên cạnh (3) đóng góp tích cực từ tăng trưởng của mảng du lịch, lữ hành.
KQKD của các doanh nghiệp niêm yết là một yếu tố quan trọng để nhà đầu tư dài hạn đo lường hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên với nhà giao dịch ngắn hạn, tính tương quan giữa KQKD với giá cổ phiếu mới là điều quan trọng nhất.
ASEANSC cũng lưu ý rằng khi bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện tương đối rõ ràng và thị trường đã ước tính được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, giá cổ phiếu thường có xu hướng phản ứng trước khi số liệu được công bố.
Mặt khác, giá cổ phiếu thường tăng mạnh hoặc giảm mạnh sau khi công bố BCTC nếu như số liệu kinh doanh của doanh nghiệp tạo ra sự bất ngờ so với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư. Do đó, nhà giao dịch ngắn hạn nên lưu ý theo dõi thêm trạng thái kỹ thuật của cổ phiếu để tối ưu hiệu quả danh mục, bao gồm phân tích xu hướng giá, điểm mua phù hợp hoặc cổ phiếu có đang vận động trong khu vực quá mua/quá bán hay không.