Ngày xưa là người gấp áo quần trong cửa hàng Nordstrom, Greg Hart không thể hình dung rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành cánh tay phải của tỷ phú Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon, rồi sau đó tiếp tục ngồi vào chiếc ghế CEO của một trong những nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới: Coursera.
Hành trình của Greg Hart không chỉ là một câu chuyện thành công trong thế giới công nghệ, mà còn là minh chứng sống động cho triết lý tập trung học hỏi, tích lũy kinh nghiệm hơn là nhìn vào mức lương.
Thăng tiến
Năm 1997, khi Amazon vẫn chỉ là một cửa hàng bán sách trực tuyến mới nổi, Greg Hart gia nhập với vị trí nhân viên cấp thấp. Trước đó, ông từng có một công việc nhàm chán là xếp áo và quần jean tại Nordstrom trong thời sinh viên.
Thế nhưng Hart không để điều đó giới hạn bản thân. Với sự nỗ lực không ngừng, ông nhanh chóng leo lên các cấp bậc quản lý, và đến năm 2009, ông được bổ nhiệm làm cố vấn kỹ thuật cho Jeff Bezos, tương đương chánh văn phòng CEO, một vị trí nội bộ được ví von là "Cái bóng" (the shadow).

Trong vai trò này, Hart không chỉ học hỏi triết lý điều hành từ Bezos, mà còn thấm nhuần cách nhìn xa trông rộng, sự nhạy cảm với khách hàng và khả năng ra quyết định nhanh chóng, đặc biệt là quan điểm về phân quyền ra quyết định. Một trong những bài học lớn nhất mà Hart ghi nhớ là: "Càng ít quyết định phải đưa lên CEO, tổ chức sẽ vận hành càng nhanh."
Cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp Hart tại Amazon chính là khi ông được giao nhiệm vụ phát triển một ý tưởng mơ hồ của Bezos: một trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói. Không có nền tảng kỹ thuật sâu, Hart ban đầu hoài nghi về khả năng của bản thân. Nhưng Bezos chỉ đơn giản nói: "Cậu sẽ làm được. Cậu sẽ tìm ra cách."
Và đúng như thế, Hart đã biến ý tưởng đó thành Alexa – sản phẩm hiện diện trong hàng trăm triệu ngôi nhà toàn cầu, góp phần định hình tương lai của điện toán tương tác bằng giọng nói.
Sự tin tưởng này cùng với khả năng của Hart đã giúp Alexa trở thành một thành công vang dội với hơn 600 triệu thiết bị được bán ra. Hart cũng học được một bài học quý giá khác từ Bezos: "Khi dữ liệu và những câu chuyện thực tế không khớp nhau, hãy tin vào những câu chuyện. Bởi vì điều đó có thể có nghĩa là bạn đang đo lường sai thứ trong dữ liệu, hoặc dữ liệu đang cho bạn biết điều gì đó mà bạn chưa nhìn thấy."
Năm 2024, Greg Hart chính thức được bổ nhiệm làm CEO của Coursera, nền tảng giáo dục trực tuyến nổi bật với hàng triệu người dùng trên thế giới. Ông bước vào vai trò này trong bối cảnh Coursera đang tìm cách tăng trưởng sau khi cổ phiếu giảm mạnh kể từ IPO năm 2022.
Giờ đây, với vai trò CEO của Coursera, Greg Hart đang mang những bài học quý giá từ Amazon để tái định hình thế giới công nghệ giáo dục (edtech). Mặc dù Coursera đã là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này, Hart tin rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
"Coursera chưa đạt được điều mà tôi gọi là thành công đột phá thực sự mà tôi may mắn được chứng kiến khi còn ở Amazon," ông nói.
Với triết lý được hun đúc từ Amazon, Hart tin rằng việc ra quyết định cần được đưa xuống gần người học, vốn là những khách hàng cuối cùng, càng nhiều càng tốt. Ông cũng khuyến khích việc lắng nghe cả câu chuyện thực tế bên cạnh dữ liệu khô khan.
Trong bối cảnh thế giới giáo dục đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là với sự giao thoa của trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển kỹ năng, Hart nhìn thấy một cơ hội to lớn cho Coursera.
Với dự đoán 1 tỷ người sẽ có quyền truy cập internet trong 5 năm tới, Coursera có thể mang đến hàng ngàn cơ hội học tập trực tuyến chất lượng cao, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM và các trường đại học danh tiếng như Stanford, Michigan, Pennsylvania.

"Chúng ta có cơ hội không chỉ giáo dục người dùng hiện tại, mà cả hàng tỷ người chuẩn bị bước vào thế giới số," ông chia sẻ.
Đối với những người trẻ đang khao khát phát triển sự nghiệp, Greg Hart có một lời khuyên đơn giản nhưng sâu sắc: "Đừng quan tâm quá nhiều cho lương bổng hay vị trí công việc mà hãy tập trung cho việc học hỏi. Thành công đến từ việc bạn không ngừng phát triển chính mình."
Lời khuyên này cũng được Andy Jassy, CEO hiện tại của Amazon, đồng tình. Ông cho rằng hành trình sự nghiệp là một cuộc chạy marathon, không phải một cuộc chạy nước rút.
Việc khám phá nhiều lĩnh vực, học được cả điều mình muốn và không muốn làm, là rất quan trọng. Sự kiên trì và một chút "bất cần đời" có thể là chìa khóa dẫn đến thành công.
"Hành trình sự nghiệp không cần được xác định từ năm 21 tuổi. Cứ thử, cứ học, và đừng sợ thất bại", CEO Jassy nói.
*Nguồn: Fortune, BI