CEO AVITOUR Nguyễn Trung Quân: "Đã có những lúc tôi nghĩ đến việc đóng cửa công ty"

Minh Thắm | 02:30 13/10/2022

Avitour là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng tìm hướng đi đặc thù. Đó là các sản phẩm tour du lịch trải nghiệm kết hợp với các khoá thiền, yoga được hướng dẫn bởi các chuyên gia nước ngoài hoặc Việt Nam.

Có điều thú vị là trước khi đến với lĩnh vực du lịch, doanh nhân Nguyễn Trung Quân ham mê ngành y. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, anh đã tìm được hướng đi mới cho công ty Avitour do mình sáng lập nên.

Trong cuộc trò chuyện với MarketTimes, CEO Công ty du lịch Hàng không (Avitour) Nguyễn Trung Quân đã chia sẻ về quan điểm kinh doanh ngành du lịch và hành trình doanh nghiệp vượt gian khó qua đại dịch Covid-19.

avi2.jpg

 "CƠ DUYÊN DẪN BƯỚC TÔI ĐẾN VỚI DU LỊCH"

MarketTimes: Du lịch là nghề làm dâu trăm họ. Cơ duyên nào khiến ông tìm đến lĩnh vực du lịch để lập nghiệp?

CEO Nguyễn Trung Quân: Ngày trước mơ ước của tôi thời học sinh phổ thông trở thành bác sỹ và nghiên cứu sinh chuyên ngành Toán – Hóa – Sinh. Nhưng rồi cơ duyên đã dẫn bước tôi học du lịch.

Trong trường hợp này có lẽ phải nói là nghề chọn người, sau khi ra trường may mắn tôi xin vào làm ở một nhà hàng tại Hà Nội, họ có hợp tác với các công ty du lịch đưa khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực ở đây. Với vị trí quản lý nhà hàng, có nhiều điều kiện tiếp xúc với các bạn hướng dẫn viên hơn và tôi bắt đầu hiểu hơn về nghề.

Vào năm 2007, nghỉ việc tại nhà hàng, tôi ứng tuyển tại Công ty Du lịch Hàng không. Với sự hoài nghi về năng lực ở phía nhà tuyển dụng, tôi đã đặt ra thử thách bản thân qua việc không nhận lương 2 tháng đầu nếu không tìm kiếm được khách hàng. Thực tế trải qua, tháng đầu tiên đi làm không lương, tháng thứ 2 tôi được phía công ty trả lương 500.000 đồng/tháng. Với sự đam mê với nghề, tôi tự tìm tòi, mày mò, đi gõ cửa từng công ty, từng ngõ ngách để xin số điện thoại và số fax. Dần dần tôi nhận được sự tin tưởng của công ty và tôi được lãnh đạo bổ nhiệm đến chức danh phó Giám đốc.

Đến năm 2010, tôi quyết định ra “ở riêng” mở công ty Avitour Việt Nam và Avitour khởi đầu từ đó.

MarketTimes: Một người khởi đầu với hai bàn tay trắng, sau thời gian nỗ lực, những thành công bước đầu là gì?

CEO Nguyễn Trung Quân: Vô vàn những khó khăn chông gai khi mới thành lập, nhất là về nhân sự. Thời điểm đó để tìm được một hướng dẫn viên là một việc không dễ, có những tháng tôi tự đi hướng dẫn đến 20 ngày. Đến năm 2013, tôi đã bắt đầu dần tuyển được thêm cộng sự vừa hướng dẫn vừa làm vừa đào tạo thêm.

Công ty bắt đầu có sự ổn định về nhân sự, mở rộng quy mô, có những thời điểm nhân sự lên đến 60 người với 3 văn phòng. Văn phòng miền Trung đặt tại thành phố Huế, văn phòng miền Nam có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh và văn phòng chính đặt tại Hà Nội. Năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, có thể nói đây là thời điểm bùng nổ về sự phát triển của cả ngành du lịch trên toàn thế giới.

Tôi cho rằng điều tiên quyết tạo nên thắng lợi là con người, thứ hai là sản phẩm. Sản phẩm du lịch cần có sự linh hoạt, uyển chuyển để có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch của khách hàng.

CEO Nguyễn Trung Quân

Tuy nhiên, “cú sốc” đại dịch đã làm thay đổi các công ty du lịch, nhất là những công ty du lịch nhỏ và và vừa gần như tê liệt. Quy mô công ty đã giảm đến 80% nhân lực, tôi đã phải đóng cửa 2 văn phòng miền Trung và miền Nam.

avi3.jpg

"LUÔN ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ CỦA KHÁCH HÀNG"

MarketTimes: Trước đại dịch thế mạnh của Avitour là gì?

CEO Nguyễn Trung Quân: Tôi xuất thân từ người làm du lịch khách đoàn, do vậy lợi thế về khách đoàn đi quốc tế là rất nhiều, chiếm tới 80-90%. Hơn nữa, đặt mình vào vị trí khách hàng, do đó Công ty định hướng phát triển nền móng cho từng sản phẩm cho từng lĩnh vực và đầu tiên là nội địa.

Tour nội địa phát triển mạnh về mặt khách đoàn “may đo” theo đơn đặt hàng. Sau khi có lượng data khách hàng ổn định công ty phát triển thêm khách ghép. Năm 2014, song song với phát triển khách nội địa, công ty đã đẩy mạnh phát triển khách quốc tế. Đến năm 2018 công ty bắt đầu đón người du lịch nước ngoài vào Việt Nam, lượng khách này chiếm 10-15% tỷ trọng của công ty.

MarketTimes: Lợi nhuận công ty đến từ đâu khi sản phẩm du lịch có giá rất rẻ?

CEO Nguyễn Trung Quân: Đấy là sự khác biệt của những đơn vị làm về lữ hành, nhiều người suy đoán rằng hay có sự cắt giảm chất lượng để có giá thành rẻ, nhưng không phải. Giá thành của tour được cấu thành bởi nhiều chi phí, với mỗi loại chi phí, công ty lữ hành sẽ làm việc trước với bên cung cấp dịch vụ để được hưởng mức giá hấp dẫn.

Đối với những khách sạn chuyên nghiệp, công ty lữ hành sẽ làm việc và sẽ được khách sạn xác minh để được chiết khấu 15-20% giá phòng trong từng thời điểm. Về phương tiện cũng như các địa điểm thăm quan cũng có chính sách cho công ty lữ hành. Về giá vé máy bay, khi đặt vé với thời gian sớm có thể được giảm giá từ 50% đến 70%, tất cả những chiết khấu đó cấu thành nên giá tour có mức giá rất hấp dẫn.

Đối với những khách hàng đã đi tour và muốn trải nghiệm chuyến du lịch một cách chủ động, họ sẽ phải chi trả thêm một khoản chi phí so với những khách hàng đi du lịch lần đầu có nhu cầu khám phá sử dụng dịch vụ tour của các công ty lữ hành.

avi4.jpg

KIÊN TRÌ TÌM LỐI ĐI RIÊNG

MarketTimes: Được biết sau Covid-19, nhu cầu khách hàng có nhiều sự thay đổi, vậy công ty đã có chiến lược gì để thích ứng với điều đó?

CEO Nguyễn Trung Quân: Sau hơn 2 năm dịch bệnh, 80% - 90% nhân sự trong ngành du lịch nghỉ, chuyển đổi, rời bỏ nghề. Đến tháng 3/2022 du lịch mới chính thức được mở cửa. Ngành du lịch đã cố gắng vực dậy 2-3 lần trong suốt quá trình đóng cửa do dịch, nhưng luôn bị cản trở bởi nhiều đợt dịch bệnh bùng phát.

Công ty tôi cũng trải qua điều tương tự khi phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Tuy rất yêu ngành du lịch nhưng có những lúc tôi cũng đã từng suy nghĩ đến việc đóng cửa công ty, trả lại toàn bộ cơ sở vật chất, rút giấy phép. Mặc dù vậy, tình yêu đối với ngành nghề du lịch cũng như tình cảm yêu mến, tin tưởng của khách hàng đã trở thành nguồn động lực giúp tôi vực dậy để tìm tòi, thích ứng và làm lại từ đầu.

Đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chưa đạt được như kì vọng, bởi lượng lớn nhân sự làm du lịch trước đây đã chuyển sang ngành nghề khác. Trong khi đó, người làm du lịch như tôi là những người chịu áp lực rất lớn, bởi ngành du lịch, gọi vui là “làm dâu trăm họ”, là ngành nghề khó và vất vả.

Để thích ứng với sự thay đổi về nhu cầu du lịch của khách hàng, Công ty đã xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau theo kiểu “may đo” đặt hàng, theo sản phẩm đã có sẵn…

Hiện công ty có những sản phẩm du lịch khác nhau như tour chuyên đề, tour săn mây, tour trekking, tour khám phá, tour thiền, tour nghỉ dưỡng, tour mạo hiểm... Khi đại dịch xảy ra, người Việt Nam mới có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm đó, bởi trước đây tất cả những tour du lịch như vậy đều được khách du lịch nước ngoài đăng kí hết. Hơn nữa, khách nước ngoài đi du lịch thường lên kế hoạch và đặt trước từ 1-2 năm, trong khi nhu cầu du lịch của khách Việt Nam là bất chợt.

Tuy nhiên, bây giờ thì mọi thứ đang dần thay đổi. Nhu cầu đặt tour của người Việt đang dần nhiều hơn, xa hơn và du khách Việt cũng có sự tỉ mỉ hơn về sức khỏe, tài chính, thời gian, sự chuẩn bị, hội nhóm để đi du lịch.

Để tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi, toàn bộ hệ thống dữ liệu khách hàng, sản phẩm đều phải được cập nhật trên các thiết bị điện tử để thuận tiện cho việc phục vụ nhu cầu của khách hàng.

“Sau những khó khăn từ chủ quan đến khách quan, không riêng gì ngành du lịch, tất cả đều phải chịu ảnh hưởng bởi các biến động, và chúng ta chỉ có thể tự thay đổi, tự chuyển biến, tự cố gắng, duy trì tồn tại. Trong thời gian tới, tôi cũng nhận thấy bản thân và công ty cũng phải vươn mình, kết nối và học hỏi để có được sự thích ứng với thế giới, bởi không có điều gì chắc chắn rằng sẽ không còn biến cố nào xảy ra trong tương lai cả”, Nguyễn Trung Quân.

Du lịch là nghề tiên phong, bị ảnh hưởng và tổn thương nhất trong tất cả các nghề, nhưng cũng là ngành nghề phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, đóng góp tỉ trọng GDP lớn.

CEO Nguyễn Trung Quân

"TÔI CŨNG LÀ NGƯỜI ƯA THÍCH SỰ MẠO HIỂM"

MarketTimes: Những khác biệt giữa công ty du lịch Avitour so với phần còn lại?

CEO Nguyễn Trung Quân: Cá nhân tôi thấy rằng công ty cũng giống như đứa con của gia đình mình, cần phải trau chuốt, nâng niu, có những lúc là uốn nắn để phù hợp với văn hóa. Nhưng tôi cũng là con người ưa thích sự phiêu lưu, luôn thích tìm tòi, xây dựng những sản phẩm mới, lạ, mang tính đặc thù, trải nghiệm, bởi đó là một thị trường ngách rất tốt.

Ví dụ, trước khi đại dịch xảy ra, tôi có những tour du lịch về với thiên nhiên, đi du lịch trải nghiệm nhưng kết hợp với các khóa thiền với thầy dạy chuyên gia nước ngoài hoặc Việt Nam có chứng chỉ để tạo ra những sản phẩm khác biệt. Hiện tại, tôi cũng đã mở lại những gói tour du lịch trải nghiệm tới Ấn Độ và sẽ sớm nghiên cứu và phát triển những tour du lịch tới các đất nước Phật giáo.

avi.jpg

Vào năm 2018-2019, có những tour du lịch đi Myanmar, trên thị trường miền Bắc chỉ có đơn vị tiên phong Avitour. Rất tiếc, do đại dich Covid và khủng hoảng chính trị an ninh ở đất nước này khiến cho các tour du lịch dòng sản phẩm tâm linh, hành hương, phật giáo tới đất nước này chưa thể thực hiện được.

Những đất nước như Lào, Campuchia, Mông Cổ cũng là những địa điểm vàng để khai thác dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, mỗi một sản phẩm chỉ phù hợp với một số đối tượng, điều này thúc đẩy việc nghiên cứu và khai thác các dòng sản phẩm khác nhau mang tính đa dạng hơn, có sự chuyên biệt riêng trong từng sản phẩm.

Bên cạnh đó, công ty có những sản phẩm phục vụ những khách hàng chỉ cần đi một mình và khi khách đã xác định sử dụng dịch vụ như vậy thì họ hoàn toàn không quan trọng về vấn đề chi phí.

Đây chính là điểm mạnh và điểm khác biệt so với các công ty khác trên thị trường du lịch.

Khi nhu cầu khách hàng thay đổi thì người cung cấp dịch vụ cũng phải thay đổi. Chúng tôi sẽ luôn phải đáp ứng mọi cách nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

CEO Nguyễn Trung Quân

MarketTimes: Ông nhìn nhận thế nào về sự đóng góp của doanh nhân và các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế chung?

CEO Nguyễn Trung Quân: Trong những năm gần đây, cả hệ thống chính trị và cộng đồng quan tâm tới ngày ngày 13/10 ngày Doanh nhân Việt Nam hơn. Tôi tin rằng không chỉ có tôi mà giới doanh nhân cũng coi đó là một dấu mốc, động lực để phát triển.

Tôi chỉ là một cá nhân đóng góp phần rất nhỏ bé vào công cuộc phát triển của đất nước, bởi có những thời điểm Avitour đóng góp hàng chục công ăn việc làm cho mọi người, giúp phần phát triển kinh tế cho các địa phương cũng như về cơ hội việc làm cho nhân sự ở các địa phương đó và ngành du lịch nói chung.

Hiện có khá nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đóng góp rất lớn cho ngành du lịch dịch vụ như VinGroup, SunGroup, Flamingo, RedTour... Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp lữ hành. Các doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự giao thoa cùng nhau phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

MarketTimes: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Bài liên quan

(0) Bình luận
CEO AVITOUR Nguyễn Trung Quân: "Đã có những lúc tôi nghĩ đến việc đóng cửa công ty"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO