Nội dung chính:
- Các khoản trợ cấp sẽ là lựa chọn hữu ích cho người lao động rơi vào tình cảnh mất việc.
- Cân nhắc và đánh giá các gói bảo hiểm được cung cấp trong quá trình làm việc.
- Lập kế hoạch chi tiêu hợp lý trong thời gian nghỉ ngơi, tìm kiếm một công việc mới.
Mất việc một cách đột ngột có thể khiến chúng ta cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nhiều vấn đề cần phải xử lý cùng lúc như tìm việc làm, chăm sóc gia đình khi mất đi tính ổn định và an toàn từ nguồn thu nhập cố định.
Hãy cho bản thân thời gian để sắp xếp và đánh giá lại kế hoạch tài chính trong thời gian sắp tới. Một số chỉ dẫn sau đây có thể giúp ích cho bạn đọc.
Thương lượng các điều khoản trong thỏa thuận nghỉ việc
Lisa J. Banks - chuyên gia từ công ty luật Katz Banks Kumin cho rằng: “Thỏa thuận thôi việc giữa công ty và nhân viên là một hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng có thể thương lượng được”. Không phải tất cả gói trợ cấp đều có thể thương lượng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không nên thử.
Trong giai đoạn cắt giảm nhân sự, bạn có thể yêu cầu ở lại làm việc thêm một thời gian - thậm chí không được trả lương - để nhận được khoản bồi thường thôi việc cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng bạn sẽ dễ dàng kiếm được việc làm hơn khi bạn đang có sẵn một công việc. Bạn cũng có thể thương lượng để được thanh toán các gói hỗ trợ nhanh chóng hơn.
Tại Việt Nam, trợ cấp thôi việc sẽ không giới hạn mức hưởng mà được tính theo công thức sau:
Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.
Tuy nhiên, cần phân biệt 2 loại trợ cấp chính là trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà doanh nghiệp chi trả bổ sung cho người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Còn trợ cấp thất nghiệp do Cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả và giải quyết dựa trên quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tuy không thể thay thế tiền lương nhưng trợ cấp thất nghiệp là quyền lợi của người lao động, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong quá trình tìm kiếm một công việc mới.
Trợ cấp thất nghiệp áp dụng với người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 3 tháng kể từ khi nghỉ việc; chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Trợ cấp thất nghiệp, tùy theo đối tượng, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng hoặc 5 lần mức lương cơ sở. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều người dân đang tham khảo thông tin tuyển dụng được dán tại khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM). (Ảnh: MT)
Lưu ý, người lao động nằm trong diện bị sa thải vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp miễn người lao động bị sa thải đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như những trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp “chủ động” khác.
Quyết định phải làm gì với tài khoản hưu trí
Thời gian qua, nhiều công ty buộc phải sa thải hàng nghìn nhân viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng thiếu hụt. Mất việc làm là mất đi nguồn thu nhập chính và đều đặn, dẫn đến làn sóng rút bảo hiểm 1 lần để có một khoản tiền “dằn túi”, chi trả cho cuộc sống.
Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc kỹ càng, đánh giá rủi ro trước khi quyết định rút bảo hiểm 1 lần. Bởi khi đã rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ không còn lương hưu và nguồn hỗ trợ rủi ro tài chính trong tương lai. Ngoài ra, họ cũng mất đi quyền lợi được chi trả bảo hiểm y tế.
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc có quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Khác với trợ cấp thôi việc và thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần không phân biệt người lao động chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào. Chỉ cần người lao động không tiếp tục làm việc tại đơn vị sử dụng lao động, không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội trong một năm.
Trong khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sa thải hàng nghìn công nhân, nhiều xí nghiệp, nhà máy vẫn liên tục đăng tin tuyển dụng. Luôn có cơ hội việc làm cho những người chủ động tìm việc (Ảnh: MT)
Đánh giá các gói bảo hiểm hiện có
Các gói bảo hiểm đi kèm với công việc như bảo hiểm nhân thọ, tai nạn, thương tật, có thể sẽ chấm dứt sau khi bạn nghỉ việc. Phụ cấp thôi việc cũng có thể kéo dài thời hạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người lao động nên kiểm tra khoản mục này để đảm bảo quyền lợi.
Jennifer Fitzgerald - giám đốc điều hành của Policygenius cho biết một số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được duy trì ngay cả khi bạn nghỉ việc nhưng chi phí có thể cao hơn so với việc bạn tự mua một hợp đồng mới. “Tuy nhiên, đây có thể là một lựa chọn tốt nếu bạn từng gặp vướng mắc về các điều kiện bảo hiểm khi tự mua.”
Hầu hết doanh nghiệp dừng đóng phí bảo hiểm cho nhân sự thuộc diện cắt giảm. Do đó, thôi việc là thời điểm thích hợp để đánh giá lại nhu cầu bảo hiểm cá nhân.
AJ Ayers - nhà hoạch định tài chính kiêm đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Brooklyn FI cho rằng: “Nếu bạn có người thân phụ thuộc vào thu nhập của mình, bạn sẽ muốn tìm kiếm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.”
Đối với bảo hiểm y tế được cung cấp trong quá trình làm việc, bạn cần tìm hiểu xem bảo hiểm đó kết thúc khi nào - có thể là vào ngày làm việc cuối cùng của bạn hoặc kéo dài vài tháng sau khi bạn nghỉ việc.
Sau đó, bạn nên đánh giá các gói bảo hiểm thay thế phù hợp với bản thân. Đây sẽ là vấn đề đáng xem xét nếu bạn có bệnh mãn tính, đang mang thai hoặc có các nhu cầu y tế khác cần được chăm sóc liên tục.
Karen Pollitz - thành viên cấp cao của Kaiser Family Foundation cho biết: “Việc tiếp tục bảo hiểm có nghĩa là bạn sẽ không phải chuyển đổi bệnh viện, danh mục thuốc hoặc bắt đầu lại khoản khấu trừ hàng năm.”
Xây dựng một kế hoạch chi tiêu hợp lí
Cuối cùng là đánh giá những khoản chi phí bạn có thể cắt giảm trong khả năng và tính toán số tiền cần thiết để trang trải các chi phí cố định. Đồng thời, cân nhắc những nguồn lực như đầu tư, tiết kiệm, thậm chí là bảo hiểm,... mà bạn sẽ phải rút ra để đảm bảo cuộc sống.
Nếu bạn có một quỹ dự phòng khẩn cấp, hãy tính thử số tiền đó giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt trong bao lâu, trước khi bạn tìm được một công việc mới.