Nội dung chính:
- - Cuối năm 2022, Constrexim thua kiện và phải trả cho bên thắng kiện 199 tỷ đồng - số tiền lớn hơn doanh thu hàng năm của Constrexim trong 3 năm trở lại đây.
- - Công ty vẫn đang giải quyết những vi phạm tại dự án Khu đô thị mới Yên Hòa kéo dài gần 20 năm qua.
- - Các khoản phải thu của Constrexim ngày càng lớn, vượt quá doanh thu công ty.
Báo cáo tài chính kiểm toán của Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim, Mã: CTX) cho thấy nhiều sự kiện có thể tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty trong những năm tới.
Cuối năm 2022, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Cục thi hành án dân sự quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của một cá nhân (ông Trần Minh Sơn) với Constrexim và buộc công ty phải thanh toán cho ông Sơn số tiền 199 tỷ đồng trong tranh chấp hợp đồng tài sản. Báo cáo kiểm toán của Constrexim không cung cấp thông tin chi tiết về vụ kiện nói trên.
Nếu thanh toán số tiền 199 tỷ đồng theo phán quyết của tòa án, lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Số tiền này vượt quá doanh thu hàng năm của Constrexim trong ba năm gần nhất (2020 - 2022). Sự kiện này hứa hẹn một khoản lỗ khủng với Constrexim nếu công ty này chấp thuận thi hành bản án.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý về dự án Khu đô thị mới Yên Hòa do Constrexim làm chủ đầu đầu tư.
Cụ thể, Constrexim đã ghi nhận chi phí đầu tư tầng 1 tại các tòa CT3, CT4, CT5 và CT6 thuộc khu đô thị mới Yên Hòa là tài sản của công ty. Tuy nhiên đến năm 2004, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Constrexim bàn giao tầng 1 tại các tòa nhà cao tầng này cho Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) Hà Nội. Đến nay, công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết nội dung này.
Đã gần 20 năm kể từ khi Hà Nội yêu cầu Constrexim bàn giao tài sản, sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết. Giá trị còn lại của tài sản này còn 4,4 tỷ đồng sau nhiều năm khấu hao.
Trong thời gian tới, nếu sự việc được giải quyết theo hướng bất lợi với Constrexim (buộc công ty phải bàn giao tài sản cho Sở TNMT Hà Nội), nguồn thu của công từ tài sản đó (cho thuê mặt bằng) trong gần 20 năm qua sẽ phải hoàn trả (hoặc chia sẻ) cho Sở TNMT, kèm lãi suất. Ngoài ra, công ty cũng có khả năng mất hẳn nguồn thu cho thuê mặt bằng nói trên nếu sự việc diễn ra bất lợi.
Đây cũng là sự kiện có thể ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của Constrexim trong những năm tới.
Khoản phải thu khách hàng tiếp tục lấn át doanh thu
Không chỉ vướng mắc pháp lý, Constrexim còn đối mặt với các khoản thu khách hàng khổng lồ, vượt quá doanh thu công ty trong ba năm trở lại đây.
Cuối năm 2022, khoản phải thu khách hàng của Constrexim là là 310 tỷ đồng, tức cao cấp 1,7 lần doanh thu. Hai năm trước đó, khoản phải thu của công ty lần lượt bằng 1,8 lần và 4,8 lần doanh thu.
Khoản phải thu khách hàng chủ yếu phát sinh từ mảng xây lắp của công ty. Tại thời điểm cuối năm 2022, khoản phải thu liên quan đến hợp đồng xây lắp và các hợp đồng thầu phụ có điều kiện chiếm 177 tỷ đồng, còn lại là các khoản phải thu do chuyển nhượng bất động sản cùng các nhóm đối tượng khác. Xây lắp là mảng mang lại doanh thu tương đối khiêm tốn cho Constrexim trong năm qua, xung quanh 34 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, công ty đã trích lập dự phòng 141 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, không thay đổi so với đầu năm.
Năm 2022, Constrexim đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 184 và 5,7 tỷ đồng, tương đương 32 và 8% kế hoạch đề ra.
Trước đó, theo báo cáo công ty tự lập, Constrexim đạt doanh thu 169 tỷ đồng và lỗ 4,8 tỷ đồng.