BRICS nhất trí mở rộng khối
Theo tờ Times of India, tại phiên họp ngày 23/8, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 (diễn ra từ ngày 22 – 24/8 tại Nam Phi), các nhà lãnh đạo BRICS đã nhất trí cơ chế xem xét thành viên mới, mở đường gia nhập cho hàng chục quốc gia có mong muốn tham gia vào khối.
Quyết định mở rộng quy mô có thể mang lại ảnh hưởng toàn cầu cho BRICS trong bối cảnh sự phân cực địa-chính trị đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc đưa BRICS thành đối trọng với phương Tây.
"Chúng tôi đã nhất trí vấn đề mở rộng khối" – Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor phát biểu sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS.
4 ứng viên tiềm năng nhất lộ diện
Tờ New Arab dẫn lời chuyên gia nhận định, hiện nay đang có 4 quốc gia tiềm năng nhất có khả năng gia nhập BRICS.
Saudi Arabia
Nếu gia nhập BRICS thì Saudi Arabia – một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới – sẽ tăng thêm sức mạnh kinh tế cho khối này, cho phép BRICS định vị vị thế của mình là đối thủ chống lại trật tự tài chính do Mỹ lãnh đạo.
Saudi Arabia đã xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù có quan hệ an ninh lâu dài và chặt chẽ với Mỹ nhưng quốc gia này đã thể hiện rõ ràng mong muốn tách bạch độc lập với lợi ích của Mỹ trong những năm gần đây.
Trong năm 2022, Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng dầu ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quốc gia Tây Á này đã đảm bảo được mức tăng sản lượng, khiến Washington sốc nặng. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng cho biết, ông Biden thậm chí cho rằng "đã đến lúc cần suy xét lại toàn bộ mối quan hệ (với Saudi Arabia) từ nay về sau".
Tháng 2 năm nay, Saudi Arabia tiếp tục có bước đi mạnh bạo khi khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran, hai phía đã ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tại Bắc Kinh.
Đối với Saudi Arabia, việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác trong BRICS không chỉ mang lại lợi ích về địa-chính trị mà còn cả về kinh tế. Đất nước hơn 36 triệu dân, với phần lớn là dân số trẻ, đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ.
Ở chiều ngược lại, Hoàng tử Faisal bin Farhan - Ngoại trưởng Saudi Arabia cho biết, nước này cũng đang là đối tác thương mại lớn nhất của BRICS ở Trung Đông, với kim ngạch thương mại đạt 160 tỷ USD vào năm ngoái.
Argentina
Với gần 46 triệu dân, Argentina có nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ Latinh, sau Brazil và Mexico.
Hiện tại, Argentina đang nhận được sự ủng hộ lớn của 3 thành viên then chốt trong BRICS, đó là Ấn Độ, Brazil (các đối tác thương mại lớn nhất của Argentina) và Trung Quốc (quốc gia đang có mối quan hệ tài chính ngày càng chặt chẽ với Argentina).
Quốc gia này vừa trải qua khủng hoảng kinh tế và đang rơi vào giữa một trong những thời kỳ tồi tệ nhất. Đồng tiền của Argentina đã giảm mạnh, lạm phát dao động quanh mức 113% trong 12 tháng qua, và gần 40% dân số rơi vào tình trạng nghèo khó. Nước này cũng đang phải vật lộn để trả khoản nợ 44 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) do phương Tây vận hành.
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil hôm 22/8 khẳng định, ông ủng hộ các nỗ lực tham gia BRICS của Argentina, đề cập tới nỗ lực đấu tranh của nước này trong tình trạng thiếu dự trữ ngoại hối.
Trong năm ngoái, Tổng thống Argentina Alberto Fernández cũng đã được mời tham dự cuộc họp trực tuyến của các quốc gia BRICS.
"Đối với đất nước của chúng tôi, BRICS là giải pháp thay thế tuyệt vời để hợp tác, họ đại diện cho một trật tự thế giới mới đang nỗ lực vì lợi ích của số ít" – Ông Fernández gửi lời tới BRICS vào tháng 5/2022.
Iran
Iran – quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và nắm giữ ¼ trữ lượng dầu ở Trung Đông – đã nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6 năm nay như một phần nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế - chính trị với các cường quốc ngoài phương Tây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 21/8 cho biết: "Sự hợp tác của Iran với BRICS mang lại lợi ích chung".
Nền kinh tế Iran giữ vị trí số 22 trên thế giới vào năm ngoái dù bị ảnh hưởng bởi lạm phát và các biện phát trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Nước này duy trì sự tồn tại bằng cách bán dầu giảm giá cho Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế để không phụ thuộc vào dầu mỏ và tăng cường thương mại với các thành viên BRICS. Kim ngạch thương mại phi dầu mỏ của Iran đã tăng 14% trong giai đoạn 2022-2023, đạt 38,43 tỷ USD.
Ngoài ra, Iran cho rằng tư cách thành viên BRICS sẽ giúp củng cố vai trò của nước này như một cường quốc khu vực.
Truyền thông Nhà nước Iran đưa tin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có mặt tại Nam Phi trong hôm qua (23/8) để tham dự các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Ai Cập
Ai Cập là một trong những nước nhận viện trợ hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên, nước này từ lâu đã duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga và có quan hệ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc.
Cairo ngày càng quan tâm tới việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ sau khi chứng kiến những tác động tiêu cực của đồng đô la đối với nước này trong một năm rưỡi qua.
Tình hình Nga-Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại tệ, sau đó dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế. Các nhà đầu tư hoảng loạn rút hàng tỷ USD ra khỏi Ai Cập, trong khi giá lúa mì và nhiên liệu nhập khẩu thanh toán bằng USD tăng vọt. Một số mặt hàng nhập khẩu trở nên khan hiếm và gia tăng.
Sự thiếu hụt đồng đô la cũng khiến Ai Cập gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ, buộc nước này phải phá giá mạnh đồng tiền trong nước.
Nếu gia nhập BRICS, Ai Cập có thể giao dịch bằng đồng nội tệ, đồng thời hy vọng thu hút thêm đầu tư từ các nước thành viên BRICS.
Hôm 22/8, hãng tin Sputnik Arabic cho hay, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra ở Nam Phi, Ai Cập sẽ chính thức nộp đơn đăng ký tham gia khối.
Trong cuộc trao đổi với Sputnik Arabic, ông Nourkhan Al-Sheik - thành viên của Hội đồng Ngoại giao Ai Cập - nhấn mạnh rằng việc gia nhập làm thành viên đủ quyền của BRICS là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ai Cập.