Giữa hàng hè nóng ẩm, hàng trăm thùng chứa đầy nhân sâm chất kín nhà kho của ông Will Hsu. Một lô hàng 13.600 kg đã được vận chuyển đi Trung Quốc, nhưng hơn 68.000 kg còn lại nằm rải rác trong các nhà kho ở Marathon của Mỹ. Con số này cao bất thường so với mọi năm.
Ông Will Hsu, chủ công ty Hsu's Ginseng Enterprises, cho biết: “Thông thường đến mùa hè là chúng tôi bán hết sạch”.
Hiện không ai muốn trả thêm thuế để nhập về chỗ sâm tồn kho. Ông Will dự đoán xuất khẩu của công ty sẽ giảm hai chữ số trong năm nay.
.png)
Vụ thu hoạch nhân sâm ở Marathon thường bắt đầu vào tháng 10 và có thể đạt đến 680.000 kg. Wisconsin là bang trồng nhân sâm lớn nhất nước Mỹ, chiếm đến 98% sản lượng nhân sâm nội địa.
Thông thường, thương nhân mua sâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng các chuyến hàng đến Trung Quốc đã ngừng từ tháng 4, thời điểm Bắc Kinh áp mức thuế nhập khẩu 125% để đáp trả mức thuế 145% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh lên hàng hóa Trung Quốc.
Chính sách thuế ăn miếng trả miếng này đã đẩy thương mại toàn cầu vào trạng thái bất ổn. Ông Will cùng hàng chục nông dân trồng nhân sâm khác chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá vẫn ở mức thấp và lượng nhân sâm tồn kho từ vụ năm ngoái còn nhiều.
Theo các nông dân chia sẻ với Nikkei Asia, họ không chỉ bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất tăng do lạm phát, mà còn bị ép giá vì phía Trung Quốc yêu cầu bù lại mức thuế gần 42% đối với nhân sâm Mỹ.
Dù sản lượng nhân sâm của bang vẫn ổn định trong vài năm qua, lượng hàng tồn kho lại cao bất thường vì nhiều khách hàng hoãn mua để chờ thông tin về chính sách thuế. Tình trạng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế giảm tốc càng làm nông dân trồng sâm thêm khó khăn.
.png)
Nhân sâm là dược liệu quý tại Đông Á, đặc biệt ở Trung Quốc. Người dân ưa chuộng dùng sâm vì công dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, rễ sâm cần nhiều năm để phát triển. Cây càng già thì giá trị càng cao. Nhân sâm thường được nghiền thành bột, viên nang hoặc dùng trong y học cổ truyền.
Nhân sâm Mỹ trồng ở Wisconsin có nguồn gốc từ Mỹ và Canada. Chúng được đánh giá cao với hương vị hảo hạng và bổ dưỡng hàng đầu thế giới nhờ khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng.
Trung Quốc đại lục và Hồng Kông là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhân sâm Mỹ. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 32,5 triệu USD nhân sâm sang hai thị trường này, chiếm 83% tổng kim ngạch toàn cầu. Mười năm trước, con số này là 90%. Nhưng nông dân đã đa dạng hoá đầu ra bằng cách xuất khẩu sang cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, mặt hàng này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Canada và chính thị trường nội địa Trung Quốc.
Nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu từ Mỹ sang Trung Quốc. Nhưng từ năm 2018, khi thương chiến nổ ra dưới thời Tổng thống Trump, thị phần của nông sản Mỹ tại Trung Quốc giảm mạnh. Nhiều nông dân lo ngại đợt đối đầu lần hai sẽ khiến họ phá sản.
Joe Heil – chủ một trong những trang trại nhân sâm lớn nhất nước Mỹ – từng kỳ vọng thuế quan của Mỹ sẽ giúp các hoạt động thương mại công bằng hơn và giảm rào cản xuất khẩu.
.png)
Tuy nhiên, thực tế vẫn rất ảm đạm. Ông Heil cho biết công ty ông thua lỗ nặng từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, khi Trung Quốc đánh thuế nặng vào nông sản Mỹ. Đại dịch cũng khiến giao thương ngưng trệ. Thuế nhập khẩu mà chính quyền Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc cũng làm tăng giá thiết bị và vật tư nông nghiệp tại Mỹ.
"Tôi cứ phải rút tiền tiết kiệm và vay mượn để duy trì trang trại. Không có công ty nào hoạt động như vậy cả. Tôi yêu công việc này, nhưng thực sự rất khó khăn", ông Heil nói.
Người đàn ông 54 tuổi chia sẻ thêm: "Nhưng nếu tôi rút lui, sẽ có nhiều người mất việc. Thật buồn vì có rất nhiều người phụ thuộc vào ngành này để nuôi sống gia đình".
Trong ngành nhân sâm, nhiều người bỏ cuộc vì lãi mỏng và thời gian đầu tư kéo dài, ít nhất 3–4 năm mới thu hoạch được. Theo nông dân địa phương, khó khăn chồng chất khiến người trẻ e ngại chọn làm công việc này.
Hiện họ kỳ vọng việc Trung Quốc xếp nhân sâm Mỹ vào danh mục thực phẩm chức năng sẽ giúp phục hồi doanh số. Một người chia sẻ: "Sự sống còn của chúng tôi phụ thuộc vào thời tiết và Trung Quốc".
Theo Nikkei Asia