Để tiếp đà tăng trưởng từ nay tới cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Hương, cần có 7 giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước tiên phải nhất quán phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19", tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường và việc xuất hiện các biến chủng mới.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, qua đó hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
Thứ ba, áp lực lạm phát là mối nguy cơ hàng đầu cho hoạt động kinh tế 6 tháng cuối năm. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh…, tâm lý lo ngại "lạm phát nhập khẩu" nhất là khi Việt Nam có độ mở kinh tế cao. Do đó, kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu.
Thứ tư, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023.
Thứ năm, nhanh chóng có các biện pháp đối phó với các quy định của châu Âu mới áp đặt kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; đề xuất các chính sách, giải pháp ứng phó với việc Trung Quốc sẽ thực thi các chính sách thương mại biên giới; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại, khai thác tối đa nội lực nhằm chủ động nguồn cung nguyên vật liệu.
Thứ sáu, duy trì các động lực kinh tế của 6 tháng đầu năm, phát huy cho 6 tháng cuối năm.
Thứ bảy, các cấp, các ngành cần chủ động bám sát tình hình thế giới và trong nước, làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
“Tập trung triển khai tốt những vấn đề trên, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý III/2022 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%”, bà Hương nhận định.