Hai kịch bản tăng trưởng GDP cho 9 tháng còn lại của năm 2022

Minh Trang | 08:39 14/04/2022

Trước những diễn biến của xung đột chính trị và giá cả thế giới leo thang, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP, Tổng cục Thống kê đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Hai kịch bản tăng trưởng GDP cho 9 tháng còn lại của năm 2022
Tổng cục Thống kê đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng 3 quý còn lại của năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021, các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, ngành công nghiệp cũng phát triển khá tốt (đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I đạt 5,03% so với cùng kỳ, cao hơn tương đối so với mức tăng quý I của các năm 2021 và năm 2020 (lần lượt là 4,72% và 3,66%).

Tuy trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị đe dọa do xung đột chính trị Nga - Ukraine khiến giá cả thế giới leo thang, cầu thế giới cao nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu đang khó khăn... đặt ra áp lực lạm phát cao năm 2022 nhưng cơ hội tăng trưởng của các quý tiếp theo năm 2022 được đánh giá vẫn khả quan.

Động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến) do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục. Bán buôn, bán lẻ; vận tải; lưu trú, ăn uống; vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm (âm) hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch nhằm lấy lại sức hút khách du lịch như trước...

Bên cạnh đó, là sự kỳ vọng về hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước; từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Căn cứ vào tình hình tăng trưởng kinh tế quý 1/2022, bám sát Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã xây dựng 2 kịch bản cho các tình huống:

Kịch bản 1 (kịch bản thấp):

Với giả định chiến tranh Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng sớm kết thúc trong 6 tháng đầu năm; dịch Covid 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới nhưng cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình; hoàn thành phổ cập diện rộng tiêm vắc xin mũi 3 tới mọi người dân; hoạt động kinh tế duy trì như hiện tại; tăng trưởng quý II phải đạt khoảng 5,6% (cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III phải đạt khoảng 6,8% (thấp hơn khoảng 0,8 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01) và quý IV tăng 6,4% (cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01).

Kịch bản 2 (kịch bản cao):

Với giả định chiến tranh Nga - Ukraine hạ nhiệt trong tháng 4; dịch Covid-19 được kiểm soát, biến chủng mới ảnh hưởng nhẹ hơn biến chủng Omicron; hoàn thành phổ cập diện rộng tiêm vắc xin mũi 3 tới mọi người dân; hoạt động kinh tế được mở rộng về trạng thái trước đây; tăng trưởng quý II phải đạt khoảng 6,7% (cao hơn khoảng 0,8 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III phải đạt khoảng 7,3% (thấp hơn khoảng 0,7 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01) và quý IV tăng 6,9% (cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hai kịch bản tăng trưởng GDP cho 9 tháng còn lại của năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO