Phát biểu tại Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng các ngành kinh tế chính", ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%.
Tuy nhiên ông Francois Painchaud tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, đã cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023, tuy nhiên thấp hơn mức tăng trưởng dự báo mà IMF cũng như các tổ chức quốc tế khác đưa ra.
Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm 2022 - 2023 sẽ tăng từ 5,5-6%, còn ở kịch bản tiêu cực chỉ tăng trưởng 4,5-5%. "Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine", ông Lực đánh giá.
Theo TS. Lực, một trong những yếu tố được đánh giá tác động lớn con số tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2022 - 2023 chính là việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (hay còn gọi là gói kích thích kinh tế).
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, gói kích thích kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Theo tính toán của Chính phủ khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên, việc thực hiện Chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.
Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính: Khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp; Hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.
Để chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, theo ông Hiếu, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.
Bản thân mỗi doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.