FDI được dự đoán sẽ giảm trong năm nay vì cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và tài chính do xung đột tại Ukraine làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Người đứng đầu UNCTAD, bà Rebeca Grynspan cho biết: "Môi trường toàn cầu cho đầu tư quốc tế đã thay đổi lớn kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, ảnh hưởng ra ngoài khu vực lân cận nước này, gây cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống của hàng tỷ người."
Bà nhấn mạnh việc các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ và sự bất trắc "có thể gây sức ép lớn đến FDI toàn cầu.
FDI toàn cầu năm 2021 đã phục hồi đến mức trước dịch COVID-19, đạt gần 1.600 tỷ USD. Nhưng con số này khó có thể được giữ vững trong năm 2022.
Trong Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2022, UNCTAD đã nêu rõ các dấu hiệu suy yếu.
Dữ liệu sơ bộ quý 1 cho thấy dự án đầu tư GI (Green-Field Investment - một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu) đã giảm 21% trên toàn cầu, các thương vụ sáp nhập và thâu tóm công ty xuyên biên giới đã giảm 13% và các thỏa thuận tài trợ cho dự án quốc tế cũng giảm 4%.
UNCTAD cho biết: "Năm nay, môi trường kinh doanh và đầu tư đã thay đổi nhiều do xung đột tại Ukraine dẫn tới 3 cuộc khủng hoảng chồng chất về giá lương thực và nhiên liệu, và tài chính thắt chặt. Các nhân tố khác ảnh hưởng đến FDI gồm tác động mới của đại dịch COVID-19, khả năng tăng lãi suất tại các nền kinh tế lớn, tâm lý tiêu cực trên thị trường tài chính và nguy cơ suy thoái tiềm ẩn."
Theo cơ quan trên, đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 có thể sẽ không được duy trì và dòng FDI toàn cầu trong năm 2022 "có thể sẽ theo chiều hướng giảm."
Trong năm ngoái, dòng vốn FDI đến các nền kinh tế đang phát triển đã tăng 30%, đạt 837 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu nhờ sức mạnh tại châu Á, sự phục hồi một phần ở Mỹ Latinh và vùng Caribbe, cũng như những chuyển biến tích cực tại châu Phi.