Vinamilk - quá lớn để dịch chuyển?

Quỳnh Anh | 19:08 08/08/2022

Là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường sữa có tiềm năng tăng trưởng tốt, Vinamilk vẫn tỏ ra quá “cồng kềnh” để dịch chuyển thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Vinamilk - quá lớn để dịch chuyển?
Quy mô sản xuất lớn được duy trì và phát triển trong gần 50 năm thành lập khiến Vinamilk gặp khó khăn trong bước chuyển mình để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong nguồn cung và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường sữa, có tiềm năng tăng trưởng tốt, Vinamilk vẫn tỏ ra quá “cồng kềnh” để dịch chuyển thích ứng với sự thay đổi của thị trường.  

Theo Báo cáo Vietnam Brand Footprint 2022 của Kantar, Vinamilk giữ vững vị trí đầu trong top 10 sản phẩm sữa và sản phẩm thay thế sữa được lựa chọn nhiều nhất. Doanh thu thuần nội địa năm 2021 ghi nhận 51.202 tỷ đồng, chiếm gần 43% doanh thu thị trường sữa Việt Nam nói chung (ước tính 119.300 tỷ đồng).

Riêng thị trường sữa nước, Vinamilk chiếm thị phần khoảng 40%, theo báo cáo của VnDirect. 

Vinamilk giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường sữa nước Việt Nam. (Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, EUROMONITOR)

Mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam khoảng 26-28 lít/người/năm, chỉ bằng ¼ bình quân trên thế giới và thấp hơn 40% so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Singapore. 

Nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực do cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình tăng. Dự báo doanh thu sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ duy trì mức 7%-8%/năm giai đoạn 2020 – 2025, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành, theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel.

Thế nhưng, mới đây, Vinamilk ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 2.102 tỷ đồng trong quý II/2022. Đây là mức lãi sau thuế theo quý thấp nhất kể từ quý IV/2017. 

Biên lợi nhuận của Vinamilk đã phục hồi trong quý II/2022 sau nhiều quý giảm liên tục. 

Sức ép từ nguồn cung

Lạm phát, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhu cầu dự trữ lương thực ở châu Âu, Trung Quốc siết chặt kiểm soát Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu là những yếu tố khách quan khiến giá nguyên vật liệu tăng cao. 

Chi phí nguyên vật liệu và logistics cao kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sữa bị thu hẹp thời gian qua. Từ đầu năm 2022, Vinamilk liên tục tăng giá các dòng sản phẩm từ 4% đến 10% để bù đắp vào khoản chi phí đầu vào tăng cao. 

Theo giải trình từ Vinamilk, lạm phát cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm xuống đáng kể, khiến công ty này chưa thể duy trì được đà tăng trưởng khi doanh thu thuần hợp nhất quý II/2022 đạt 14.930 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của Vinamilk đã giảm ngay cả khi công ty đã nâng mức giá bán sản phẩm.

Nhu cầu dịch chuyển sang sữa hạt

Theo báo cáo thị trường của Nielsen Việt Nam, trong năm 2021, Vinamilk vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng lớn như: sữa nước, sữa bột trẻ em, sữa đặc có đường…

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng các dòng sữa hạt, sữa chua uống nhiều hơn trong vài năm gần đây. Sữa thực vật sẽ là thị trường vô cùng tiềm năng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10,18%, ước đạt doanh thu khoảng 21,52 tỷ USD vào năm 2024, trong khi thị trường sữa động vật chỉ tăng trưởng khoảng 5,2% mỗi năm, theo Research and Markets

Kinh tế phát triển, chất lượng đời sống nâng cao khiến người dùng ngày càng ý thức hơn về thực phẩm và sức khỏe. Người tiêu dùng đang tích cực lựa chọn các sản phẩm protein có nguồn gốc thực vật thay cho động vật.

Đến nay, Vinamilk đã cho ra mắt dòng sữa đậu nành với 5 hương vị khác nhau (đậu nành, óc chó, hạnh nhân, đậu đỏ, kết hợp 9 loại hạt) để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các loại sữa này đều chung nền sữa đậu nành, bổ sung thành phần các loại hạt nhiều dinh dưỡng khác. 

3 dòng sản phẩm sữa hạt nổi bật của Vinamilk. (Nguồn ảnh: Vinamilk)

So sánh với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là TH True Milk với 6 hương vị sữa hạt đa dạng, Vinamilk có phần kém cạnh. Sữa đậu nành Fami đang là cái tên đứng đầu khi nhắc tới sữa thực vật tại thị trường Việt Nam. Theo Kantar, Fami (của Vinasoy) là thương hiệu sữa thực vật số 1 được chọn mua 3 năm liên tiếp. 

Sự chuyển dịch từ một doanh nghiệp lớn, có ưu thế về sữa động vật, với đàn bò hàng trăm nghìn con cùng hệ thống nhà máy hàng trăm triệu đô - sang mảng sữa thực vật cần nhiều thời gian và không ít chi phí. 

Ngoài ra, các sản phẩm sữa hạt nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc với giá thành cạnh tranh cũng được người tiêu dùng lựa chọn. 

Loay hoay tìm động lực tăng trưởng mới

Sức ép từ nguồn cung nguyên vật liệu tăng giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, thị trường có xu hướng ưa chuộng sữa thực vật hơn. Vinamilk đang đánh mất dần lợi thế ở sản phẩm chủ lực - sữa bò. Đồng thời, hệ quả từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt ở ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Vinamilk đang đứng trước hàng loạt sức ép từ cả nguồn cung và sức cầu đòi hỏi phải thích ứng và thay đổi nhanh chóng để bắt kịp thị trường. 

Theo báo cáo phân tích Vinamilk của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trong giai đoạn 2-3 năm tới Vinamilk không còn nhiều dư địa tăng trưởng. 

Hiệu quả hoạt động của Vinamilk giai đoạn 2017 - 2022. 

Đầu năm 2022, Vilico - công ty con của Vinamilk, công bố phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án bò thịt liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản. Đánh giá từ VCBS, sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để đóng góp tăng trưởng cho Vinamilk, dự báo mức tăng trưởng hai con số sau khi hoạt động chính thức, dự kiến trong giai đoạn 2023-2024.

(Từ trái sang) Đại diện Tập đoàn Sojitz, Vinamilk, tỉnh Vĩnh Phúc và Vilico ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, phát triển dự án chăn nuôi và kinh doanh bò thịt. (Nguồn ảnh: Vinamilk)

Theo phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), động lực kinh doanh của Vinamilk vẫn nằm ở sản phẩm cốt lõi là sữa, nhưng là ở thị trường nước ngoài. Vinamilk đang nhắm đến một công ty sữa ở Indonesia để mua lại. Điều này sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng tiềm năng mạnh mẽ cho Vinamilk trong vài năm tới. 

Thứ nhất, nhu cầu về các sản phẩm thịt bò có thương hiệu ở Việt Nam ngày càng tăng do nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao tăng lên trong khi hầu hết các sản phẩm thịt bò có thương hiệu đều phải nhập khẩu. 

Thứ hai, tại Indonesia, vào năm 2021, khoảng 81% tổng sản phẩm sữa được tiêu thụ là nhập khẩu do các nhà sản xuất sữa nước này chưa thể làm ra sản phẩm chất lượng tốt đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa ở Indonesia đang tăng lên, dự kiến sẽ tăng khoảng 10%/năm (theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ).

Phát triển mảng kinh doanh mới, thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập ở thị trường nước ngoài được dự báo là động lực tăng trưởng mới của Vinamilk khi lợi nhuận từ thị trường trong nước đi xuống.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất đánh thuế nước giải khát có đường: Còn nhiều ý kiến trái chiều
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra trong tháng 11/2024, trong đó có điểm mới là đề xuất áp thuế đối với đồ uống có đường. Tuy nhiên, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt biệt đối với đồ uống có đường lần đầu tiên được đưa ra trong dự thảo Luật này, do đó, vẫn còn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Vinamilk - quá lớn để dịch chuyển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO