Đó là năng suất lao động.
Tại hội thảo khoa học "Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam" ngày 10/7, dẫn số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore và bằng 3/4 so với Trung Quốc. Điều này đã cho thấy khoảng cách phát triển ngày càng lớn nếu không chuyển đổi mạnh mẽ.
Theo ông Trần Minh Tuấn, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm nay, tiến tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, việc thúc đẩy chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trở thành nhiệm vụ cấp bách. Hơn nữa, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết, đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp để vượt qua thách thức mà còn là cơ hội lớn để nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Tại hội thảo, ông Tuấn chia sẻ về dự thảo Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp chuẩn bị trình Chính phủ. Cụ thể, dự thảo đã đề xuất 3 chương trình về chuyển đổi số doanh nghiệp, như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mục tiêu hỗ trợ các đối tượng thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, tăng năng suất lao động 20 - 30%; chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu là hỗ trợ cho 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động đổi mới sáng tạo, 5.000 doanh nghiệp công nghệ chuyên biệt. Ngoài ra còn có 500 doanh nghiệp công nghệ xuất sắc dựa trên chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi công nghệ. Theo ông Tuấn, đây là các doanh nghiệp nòng cốt giúp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa, cũng như tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, có một điểm nhấn đáng chú ý là chương trình hỗ trợ chuyển đổi 1 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, để hiện thực hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết, cần thực hiện những giải pháp như Bộ Tài chính sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai miễn phí các ứng dụng số cơ bản, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, chữ ký số, hóa đơn điện tử và thanh toán trực tuyến.
Với xây dựng nền tảng dịch vụ "một cửa", Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai tích hợp tất cả thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi, hỗ trợ tư vấn pháp lý, kế toán và quản trị doanh nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 100% thủ tục thực hiện trực tuyến toàn trình, triển khai định danh thống nhất qua VneID, cũng như đảm bảo thời gian xử lý nhanh chóng, minh bạch.
Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong nhiều năm

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cho biết, để đạt được mục tiêu là quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong nhiều năm. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời nâng cao chất lượng dựa trên năng suất và hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh rằng, các mục tiêu cụ thể được đề cập tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% và quy mô kinh tế số đạt ít nhất 30% GDP, hướng tới 50% vào năm 2045.
Ban Chính sách, chiến lược Trung ương hiện đang nghiên cứu xây dựng Đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, theo ông Sơn, cơ quan này đang gấp rút tổng kết Nghị quyết số 05 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong số đó, trọng tâm là phân tích các yếu tố để xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong giai đoạn tới. Đặc biệt, năng suất lao động và kinh tế số chắc chắn là nội dung trọng tâm sẽ được nghiên cứu kỹ.
Đáng chú ý, tại hội nghị, GS Tan Swee Liang cho biết, khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy sản lượng tăng trưởng hơn nữa. Vì vậy, TFP chính là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đây chính là tinh thần xuyên suốt trong quá trình kiến tạo mô hình phát triển mới của Việt Nam theo Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đó là lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao năng lực tự chủ chiến lược.