Theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025, từ ngày 01/01/2025, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) chính thức trở thành TP Thủy Nguyên. Đây chính là "thành phố trong thành phố" thứ hai trên cả nước, sau TP Thủ Đức thuộc TP HCM, đồng thời là mô hình đầu tiên của miền Bắc.
Thủy Nguyên là thành phố có diện tích tự nhiên hơn 269 km2, với quy mô dân số là 397.570 người. Thành phố này được đánh giá là nơi có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh – quốc phòng, với vai trò là cửa ngõ thông ra vịnh Bắc Bộ.
Trên thực tế, TP Thủy Nguyên hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) chính, trong đó VSIP và Nam Cầu Kiền là 2 KCN đã hiện hữu và mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố. Giá trị xuất khẩu của các KCN này lên tới 20 tỷ USD, đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập tốt cho hơn 100.000 người lao động.
Trong năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước của Thủy Nguyên ước đạt 8.953 tỷ đồng và nằm trong top đầu của khối quận/ huyện ở TP Hải Phòng.
Cơ hội lớn để trở thành trung tâm kinh tế đa ngành
Trở thành TP trong TP giúp mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế đa ngành quan trọng của Hải Phòng cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, theo lộ trình, đến năm 2025, Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại III và hướng tới đô thị loại II trước năm 2035.
Theo đó, dự kiến quy hoạch đô thị Thủy Nguyên được xây dựng trên quy mô dân số đạt 600.000 người vào năm 2035 và năm 2045 là 725.000 người. Trong đó, tỷ lệ dân số đô thị chiếm hơn 80%.
Ngoài ra, về diện tích đô thị, đến năm 2035, dự kiến tổng đất xây dựng ở Thủy Nguyên dự kiến khoảng 12.700 ha, với đất dân dụng chiếm 5.518 ha. TP Thủy Nguyên sẽ tập trung vào phát triển hai trung tâm chính, bao gồm: Trung tâm hành chính, chính trị Bắc sông Cấm (đây là trung tâm mới của TP Hải Phòng) và trung tâm hành chính mới tại khu vực Lưu Kiếm – Hòa Bình (hạt nhân phát triển của TP Thủy Nguyên).
Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể của TP Thủy Nguyên bao gồm 4 vùng không gian đô thị cụ thể.
Thứ nhất, vùng đô thị mới Bắc sông Cấm được định hình là khu vực mở rộng của TP Hải Phòng, đồng thời gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới. Tại vùng này, các khu đô thị nén, cao tầng với hạ tầng hiện đại sẽ được phát triển cũng như kết hợp hài hòa với cảnh quan tự nhiên, từ đó tạo nên trung tâm năng động và kết nối thuận lợi với các khu vực khác.
Thứ hai, vùng đô thị công nghiệp và dịch vụ tích hợp gắn liền với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đây là nơi hình thành các khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao và các trung tâm hậu cần nghề cá.
Thứ ba, vùng đô thị sinh thái đa chức năng ở Hòa Bình - Lưu Kiếm sẽ tập trung phát triển các trung tâm hành chính, thương mại, du lịch và khu vui chơi giải trí cấp vùng.
Thứ tư, khu vực ven sông Giá được bảo tồn cảnh quan nhằm khai thác các không gian xanh, phát triển du lịch và các hoạt động thể thao.
Đặc biệt, trên địa bàn TP Thủy Nguyên có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa, với tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh như: Di tích Bạch Đằng Giang, di tích bãi cọc Cao Quỳ...
TP Thủy Nguyên còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Về giao thông, ngoài việc sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng hiện đại như các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, đường sắt đô thị... TP đã đầu tư 29 camera giám sát tầm cao nhằm phục vụ công tác giám sát trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản; đồng thời có 12 camera tại 3 nút điểm nóng giao thông.
Theo kế hoạch, TP Thủy Nguyên còn phát triển các khu đô thị mới xanh và siinh thái như đảo Vũ Yên, khu vực Nam sông Giá, kết hợp với những trung tâm thương mại, thể thao, vui chơi giải trí...