Đó là đất hiếm.
Mấy tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thực hiện được lời hứa sẽ "kết thúc cuộc chiến Ukraine trong vòng 24 h" mà ông từng nói hồi tranh cử. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, dường như có một yếu tố mới được nhấn mạnh, đó là nguồn tài nguyên về đất hiếm của Ukraine.
Theo đó, sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nhanh chóng gây sức ép với Nga bằng những biện pháp như đe dọa đánh thuế cao hơn, đồng thời tuyên bố sẽ thương lượng cứng rắn hơn với Tổng thống Vladimir Putin.
Theo tờ Kyiv Independent, ông Timothy Ash, chuyên gia của Viện nghiên cứu Chatham House tại London (Anh), nhận định rằng: "Tôi nghĩ ông Trump hiện mới là người nắm lợi thế thương lượng chứ không phải ông Putin". Trên thực tế, trong tay Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có nhiều lá bài chiến lược mạnh mẽ, từ kinh tế đến quân sự và ngoại giao.
![tt-trump-.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/07/tt-trump-.jpg)
Trong khi đó, về mặt kinh tế, Nga đang phải đối mặt với viễn cảnh u ám, nhất là khi những biện pháp trừng phạt ngày càng siết chặt hơn. Theo vị chuyên gia này, Mỹ có thể gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và củng cố liên minh với châu Âu để cô lập Nga. Do đó, về cơ bản, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine kéo dài cũng không gây thiệt hại gì nhiều cho Tổng thống Trump và kinh tế Mỹ cũng không bị tổn thất, sinh mạng Mỹ cũng không mất mát gì. Đó là chưa kể một phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ gửi cho Ukraine thực chất đã chảy trở lại nền công nghiệp quốc phòng của nước này.
Tương tự, ông Samuel Ramani, nhà nghiên cứu tại viện chính sách về an ninh và quốc phòng RUSI (trụ sở tại Anh), nhận định rằng trữ lượng khoáng sản ở Ukraine có thể tạo lực đẩy quan trọng cho chuỗi cung ứng của Mỹ, đồng thời giúp giảm thiểu được sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc.
Hiểu được thực tế này, trong thời gian gần đây, Ukraine đã đẩy mạnh việc quảng bá nguồn tài nguyên phong phú, từ titanium, than chì đến lithium và uranium. Đây đều là những khoáng sản có thể giúp nước Mỹ vượt xa Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về tài nguyên. Theo các chuyên gia, việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Mỹ đang có những động thái nghiêm túc để kiểm soát Greenland, một hòn đảo khổng lồ rất giàu tài nguyên thuộc Đan Mạch.
Đặc biệt, mới đây, ngày 3/2, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông muốn Ukraine đảm bảo nguồn cung đất hiếm và khoáng sản để đổi lấy viện trợ quân sự. "Chúng tôi đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ukraine. Trong đó, họ sẽ đảm bảo được những gì đang nhận được từ Mỹ bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác", ông Trump nói.
Tuyên bố này đã gây tranh cãi dữ dội. Theo đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên án cách tiếp cận của Tổng thống Trump và gọi đây là hành động trục lợi đáng chỉ trích. Thế nhưng, chính quyền Ukraine dường như hiểu rõ về việc họ cần làm gì để duy trì sự ủng hộ từ Mỹ.
Đất hiếm của Ukraine nằm ở đâu?
![dat-hiem-m2.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/07/dat-hiem-m2.jpg)
Theo tờ Telegraph, Ukraine đang sở hữu các mỏ khoáng sản quan trọng và thuộc hàng lớn nhất châu Âu, trong đó bao gồm lithium và titanium. Điều quan trọng là phần lớn các khoáng sản này vẫn chưa được khai thác. Theo Forbes Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cố gắng tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên trong nước, với ước tính có giá trị tới gần 15.000 tỷ USD. Trong năm 2021, Tổng thống Ukraine từng đề nghị giảm thuế, đồng thời trao quyền đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tới khai thác khoáng sản. Nhưng nỗ lực này lại không thành sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra.
Đất hiếm hiện là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, chẳng hạn như pin xe điện, điện thoại thông minh… Tuy nhiên, thực tế Mỹ chỉ có 1 mỏ đất hiếm, với trữ lượng rất nhỏ. Vì vậy, Mỹ đang phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động nhập khẩu để có được các khoáng sản cần thiết, trong đó, nhiều loại là do Trung Quốc cung cấp.
Hiện nay, trong số 50 khoáng sản được phân loại là quan trọng thì có tới 12 loại nước Mỹ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, có 16 loại khoáng sản khác Mỹ phải phụ thuộc 50% vào nhập khẩu.
Trong khi đó, Ukraine hiện có trữ lượng 22/50 loại khoáng sản thiết yếu theo danh sách của Mỹ và 25/34 trong danh sách tương tự của Liên minh châu Âu. Ngoài đất hiếm, các nguồn tài nguyên của Ukraine cũng rất đa dạng. Theo Foreign Policy, Ukraine nắm giữ tới 117/ 120 mỏ khoáng sản công nghiệp được sử dụng nhiều nhất, trong số hơn 8.700 mỏ khoáng sản được khảo sát.
Tuy nhiên, theo Telegraph, có hơn 50 % tài nguyên khoáng sản đất hiếm quan trọng của Ukraine hiện đang nằm ở các khu vực bị Nga sáp nhập hoặc dưới sự kiểm soát của quân đội nước này.
Từ lâu, Trung Quốc đã thống trị thị trường đất hiếm trên thế giới, khi chiếm tới 70% sản lượng khai thác, 90% công suất tinh luyện khoáng sản này. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cung cấp than chì, titanium lớn nhất thế giới, giữ vai trò quan trọng trong việc tinh luyện lithium (kim loại thiết yếu trong lĩnh vực pin xe điện).
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thắt chặt việc kiểm soát khoáng sản và đặc biệt là đất hiếm, chẳng hạn như cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất đất hiếm, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải theo dõi cách sử dụng đất hiếm trong chuỗi cung ứng…
Trong ngày 3/2 vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc, quốc gia tỷ dân cũng thông báo sẽ áp kiểm soát xuất khẩu với wolfram, tellurium, ruthenium, và molybdenum. Đây là các kim loại quan trọng với lĩnh vực công nghệ cao.
Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024 ước tính, đất hiếm ở Ukraine chiếm khoảng 5% trong tổng trữ lượng trên thế giới. Cơ quan Khảo sát Địa chất Ukraine cũng cho biết, quốc gia này còn có lượng đáng kể các khoáng sản khác như lithium, titanium và zirconium.
Vì sao đất hiếm quan trọng?
![dat-hiem-m.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/07/dat-hiem-m.jpg)
Một mỏ khai thác đất hiếm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: COP
Đất hiếm là nhóm 17 kim loại nặng dồi dào có trong vỏ Trái Đất trên toàn cầu như dysprosium, neodymium và cerium. Trong một đánh giá năm vào 2024, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính rằng có 110 triệu tấn quặng trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay có trữ lượng là 44 triệu. Ngoài ra, ước tính có 22 triệu tấn đất hiếm ở Việt Nam, lớn thứ hai thế giới về trữ lượng, chỉ sau Trung Quốc.
Đất hiếm hiện là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao như pin xe điện, điện thoại thông minh, chế tạo vũ khí trong quốc phòng… Vì vậy, cuộc đua giữa những quốc gia về việc tìm kiếm, bảo vệ nguồn cung, khai thác khoáng sản này cũng ngày càng tăng nhiệt.
Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm đòi hỏi sử dụng nhiều hóa chất nên dẫn tới lượng chất thải độc hại khổng lồ, đồng thời gây ra một số thảm họa về môi trường, nên nhiều quốc gia hiện nay vẫn còn lo ngại về gánh nặng chi phí sản xuất…
Trong khi đó, nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc lại sản xuất nhiều đất hiếm nhất thông qua việc đầu tư mạnh vào hoạt động tinh luyện. Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu số bằng sáng chế khổng lồ về sản xuất đất hiếm. Đây là một trở ngại đối với những công ty ở nước ngoài muốn xử lý nguyên liệu ở quy mô lớn. Kết quả, nhiều công ty trên thế giới nhận thấy việc vận chuyển quặng tới Trung Quốc để tinh luyện có chi phí rẻ hơn, nên lại càng gia tăng sự phụ thuộc vào quốc gia này.
Bài tham khảo nguồn: Reuters, AFP, Telegraph