Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 22/3 diễn ra khá ''êm đềm'' khi sắc xanh được duy trì xuyên suốt. VN-Index đóng cửa tăng 8 điểm, trong đó cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ cột nâng đỡ thị trường với nhiều mã tăng giá tốt như VPB, VCB, BID, HDB, EIB, TPB,…
Cổ phiếu TPB cũng là một trong những mã ngân hàng có diễn biến tích cực phiên hôm nay khi tăng 0,9% lên 21.800 đồng/cp, đi cùng thanh khoản gấp rưỡi hôm qua. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng hơn 15% và thuộc nhóm có tỷ suất sinh lời cao nhất ngành ngân hàng.
Mới đây, TPBank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/3 để trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Thời gian chi trả dự kiến là ngày 3/4.
Trước đó, ngay từ đầu năm, TPBank đã lấy ý kiến cổ đông về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 và đã được thông qua. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
TPBank cho biết, lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 đạt hơn 13.364 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.
Việc TPBank chia cổ tức bằng tiền mặt là một tín hiệu đáng mừng đối với các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu TPBank. Trước đó, sau nhiều năm tạm dừng theo yêu cầu của NHNN, TPBank đã tiên phong trong hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt khi thông tin về kế hoạch này cách đây không lâu.
Trong năm 2022, TPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi nhanh nhất hệ thống, lên tới gần 40%.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng huy động khách hàng của TPBank cao vượt trội so với trung bình nhóm ngân hàng quan sát (11,0%) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn về thanh khoản trong năm 2022.
Với mức tăng trưởng huy động tốt, đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản của hệ thống, TPBank có lợi thế hơn so với nhóm các ngân hàng khác dựa trên các yếu tố: (1) Có dư địa để tăng trưởng tín dụng, không bị chặn bởi các chỉ tiêu về thanh khoản; (2) Áp lực tăng lãi suất huy động thấp. Lãi suất huy động tháng 12/2022 với kì hạn 12 tháng trả lãi cuối kì của TPBank tăng 1,1% so với tháng 9/2022, là mức tăng thấp thứ 2 trong nhóm ngân hàng quan sát và tại thời điểm hiện tại đã giảm 0,1% trong tháng 2/2023; (3) Kì vọng CASA hồi phục nhờ tệp khách hàng tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua và mặt bằng lãi suất đầu vào ổn định trở lại.