Toyota thừa nhận: Không phải cứ sản xuất được ô tô là làm được xe điện, bí quyết 50 năm bị thách thức bởi triết lý sản xuất xe như ‘làm iPhone’ của Elon Musk

Băng Băng | 11:12 08/11/2023

Sau khi mổ xẻ xe điện Tesla, hãng Toyota phải thừa nhận rằng không phải cứ sản xuất được ô tô là làm được xe điện.

Toyota thừa nhận: Không phải cứ sản xuất được ô tô là làm được xe điện, bí quyết 50 năm bị thách thức bởi triết lý sản xuất xe như ‘làm iPhone’ của Elon Musk

Tờ Financial Times (FT) cho hay sau khi có kết quả kinh doanh đầy khả quan trong quý II và III/2023, đồng thời công bố đạt được những bước tiến đột phá trong công nghệ pin thể rắn, Toyota tiếp tục thu hút nhà đầu tư nhờ công cuộc cách mạng dây chuyền sản xuất của mình.

Trước đây, Toyota vốn nổi tiếng với triết lý “Just In Time” khi đưa các thiết bị, nguyên liệu đến đúng thời điểm và đúng nơi cần dùng đã giúp hãng xe này tiết kiệm được chi phí lưu kho và tăng hiệu suất lao động.

Triết lý sản xuất này đòi hỏi tính kỳ luật rất cao, vốn là niềm tự hào của Toyota nói riêng và lao động Nhật Bản nói chung.

Thế nhưng thành công của Elon Musk với triết lý “Gigacasting” ở mảng xe điện đã khiến hãng ô tô lớn nhất thế giới này phải nhìn nhận lại dây chuyền sản xuất của mình, vốn đã từng góp phần không nhỏ xây dựng nên đế chế Toyota.

“Cách Toyota làm xe hơi từng là tiêu chuẩn của ngành ô tô nhưng Elon Musk lại đang thách thức điều này bằng một triết lý khác làm nên thành công cho Tesla. Nếu thực sự như vậy thì biểu tượng của ngành xe hơi Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn”, chuyên gia phân tích Takaki Nakanishi nói với FT.

Biểu tượng Nhật Bản

Tờ New York Times (NYT) nhận định trong 50 năm qua, triết lý "Just In Time" này đã được sử dụng trên toàn cầu chứ không riêng gì Toyota hay ngành ô tô.

Từ mảng kinh doanh thời trang đến ẩm thực hay dược phẩm đều ưa thích kiểu sản xuất chặt chẽ, thích nghi nhanh chóng được với sự thay đổi của thị trường trong khi giảm chi phí tồn kho.

Triết lý này từng được coi là cuộc cách mạng trong giới kinh doanh. Bằng việc giảm hàng tồn kho xuống mức thấp nhất, các nhà bán lẻ có đủ không gian và nguồn lực cho những thứ khác.

Phong cách sản xuất này cho phép các nhà máy thay đổi nhanh chóng sản phẩm để thích nghi với thị trường, giúp các doanh nghiệp tinh gọn cơ cấu và có thể chuyển hướng kịp thời trước sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc tiết kiệm chi phí lưu kho khiến họ dư tiền cho các hoạt động khác và trông có vẻ tăng trưởng tốt hơn, một điều gây ấn tượng mạnh cho nhà đầu tư.

Trên thực tế triết lý "Just In Time" vốn được Nhật Bản áp dụng từ sớm nhằm tái thiết đất nước sau Thế chiến II. Phong cách hoạt động này là nhằm thích ứng với thời kỳ kinh tế hỗn loạn.

Nhật Bản là một quốc gia thiếu tài nguyên còn dân số lại thường tập trung ở các thành phố lớn nên họ phải tiết kiệm hết sức có thể cũng như giảm thiểu chi phí tồn kho xuống mức thấp nhất.

Đây là lý do Toyota thường tránh nhập kho và thỏa thuận với các nhà cung ứng nhằm đảm bảo nguyên liệu, thiết bị chỉ được đưa đến khi cần thiết.

Đến thập niên 1980, sự thành công của nền kinh tế Nhật hậu Thế chiến II đã khiến nhiều người tung hô triết lý "Just In Time" như một phương thức kinh doanh đầy lợi nhuận.

"Các công ty áp dụng thành công cách vận hành tinh giản này không chỉ tiết kiệm tiền bạc cho chi phí vận hành nhà kho mà còn giúp doanh nghiệp có được sự linh động", bài thuyết trình năm 2010 của McKinsey cho ngành dược phẩm nhấn mạnh.

Theo đó, McKinsey cam kết doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được đến 50% chi phí lưu kho nếu họ áp dụng cách quản lý "Just In Time" này vào hệ thống.

Với việc Toyota trở thành hãng xe hơi có doanh số cao nhất thế giới, triết lý “Just In Time” càng trở thành tiêu chuẩn vàng cho ngành ô tô.

Thế rồi Elon Musk với thành công của Tesla đang dần thay đổi tất cả.

Tiêu chuẩn mới của ngành

Tờ FT cho hay Elon Musk đang cố gắng biến việc sản xuất xe điện trở nên dễ dàng như sản xuất điện thoại vậy khi cấu trúc và công nghệ lắp ráp của sản phẩm này không giống ô tô truyền thống.

Chính điều này đang khiến Toyota phải đau đầu khi cố gắng đảm bảo duy trì sản lượng hàng triệu xe mỗi năm trong kỷ nguyên xe điện và xe Hybrid dần trỗi dậy.

“Tesla đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành sản xuất xe hơi”, một giám đốc giấu tên của một hãng ô tô Châu Âu nói với FT.

Đế chế nhà Elon Musk đã dùng “Gigacasting” để sản xuất dòng Model Y từ năm 2020 khi nhà sáng lập Tesla nảy ra ý tưởng đúc khuôn thân xe.

Theo truyền thống, khung ô tô sẽ được chế tạo bằng cách hàn hoặc dập một số lượng lớn các bộ phận riêng biệt rồi lắp ráp lại với nhau.

Thế nhưng Gigacasting lại dùng hẳn một máy đúc lớn để ép kim loại nóng chảy vào khuôn dưới áp suất cao, tạo nên những mảng khung xe cỡ lớn như toàn bộ phần gầm xe.

Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí sản xuất cho xe điện, đồng thời gia tăng năng suất hơn so với cách làm cũ cho dù chúng có dùng “Just In Time” đi chăng nữa.

Ngoài ra, cách sản xuất này sẽ tiết kiệm được không gian nhà máy, giảm thiểu chi phí nhân công bằng các robot tự động.

Đặc biệt hơn, sản xuất truyền thống quá nhiều bộ phận khiến các hãng xe thường không dám thay đổi mẫu mã quá nhanh để tránh thay đổi dây chuyền sản xuất.

Thông thường vòng đời mẫu mã của 1 chiếc xe sẽ tồn tại khoảng 14 năm trước khi bị thay đổi.

Thế nhưng với công nghệ đúc khung hiện nay thì các nhà sản xuất xe điện sẵn sàng cho ra các mẫu mã mới nhanh hơn nhờ không cần thay đổi quá nhiều dây chuyền hoạt động.

Trên thực tế ngành công nghiệp xe hơi đã từng dùng phương pháp đúc này trong nhiều năm như chỉ áp dụng với các bộ phận nhỏ chứ chưa nghĩ đến làm hẳn những mảng khung xe lớn như Elon Musk.

“Gigacasting là một ví dụ hoàn hảo về việc bạn có thể sản xuất 1 bộ phận thay vì tách riêng ra làm 100 phần”, giám đốc chiến lược Erik Severinson của Volvo Cars thừa nhận.

Toyota cũng phải thay đổi

Sự thành công của Tesla đang khiến nhiều hãng làm xe điện phải học tập. Hãng Volvo cho biết sẽ áp dụng triết lý Gigacasting này cho thế hệ xe điện thứ 3 của mình trong thập niên tới.

Tương tự, CEO Mary Barra của GM cho biết tập đoàn đã đặt hàng 2 máy đúc “Giga Press” cỡ lớn trong năm nay và sẽ dùng công nghệ Gigacasting cho những dòng xe phổ biến sắp tới của hãng.

Thậm chí Toyota, cha đẻ của tiêu chuẩn “Just In Time” cũng đang xem xét sử dụng công nghệ Gigacasting cho việc làm xe điện.

Khung xe điện của Tesla

Vào tháng 9/2023, các giám đốc của Toyota đã phải thừa nhận họ cần phải học tập rất nhiều từ Tesla và những hãng xe điện Trung Quốc sau khi các kỹ sư của hãng mổ xẻ một chiếc Model Y.

"Việc lột bỏ vỏ của chiếc Model Y thực sự là một tác phẩm nghệ thuật", một kỹ sư tham gia vào quá trình mổ xẻ nói với Automotive News.

Việc làm một chiếc xe điện không đơn giản chỉ là lắp thêm ắc quy mà còn liên quan đến thiết kế, quy trình sản xuất sao cho tiết kiệm chi phí, giảm trọng lượng...

Ví dụ như các ống làm mát được Tesla làm mỏng hơn với vật liệu rẻ hơn vì nhu cầu làm mát của xe điện khá thấp so với ô tô xăng.

Chính nhờ điều này mà xe điện của Tesla đã giảm được 5kg từ ống làm mát, đồng thời tiết kiệm được 25 USD cho mỗi chiếc xe.

Tổng cộng sản phẩm của hãng có thể tiết giảm đến 100 kg so với ô tô xăng thông thường nhờ thiết kế cải tiến mới, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao phạm vi hoạt động cho xe điện.

Trái lại, Toyota vẫn dùng nền tảng sản xuất xe xăng cho chiếc ô tô điện BZ4X của mình và hậu quả là sản phẩm này gặp nhiều vấn đề khi chạy thực tế.

Tìm con đường riêng

Chậm chân hơn Tesla và các hãng xe điện Trung Quốc là vậy nhưng Toyota cho biết họ sẽ tự tìm con đường riêng cho mình chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào Gigacasting.

“Nói thật thì chúng tôi đã chậm trễ ở mảng công nghệ Gigacasting. Thế nhưng tập đoàn đã ứng dụng công nghệ này từ rất lâu cho những linh kiện nhỏ. Bởi vậy chúng tôi tin rằng mình có thể sản xuất các bộ phận xe điện với tốc độ nhanh hơn, rẻ hơn bằng công nghệ mới của riêng mình”, giám đốc sản xuất Kazuaki Shingo của Toyota khẳng định.

Tờ FT cho hay bằng việc áp dụng Gigacasting, hãng Toyota dự kiến sẽ cắt giảm quy trình sản xuất và lắp ráp xuống còn một nửa so với hiện nay.

Dẫu vậy, các giám đốc của Toyota cũng khá phân vân vì việc đúc mảng lớn khung xe sẽ khiến việc thay thế các bộ phận nhỏ trở nên khó khăn và tốn kém hơn khi sửa chữa.

Xin được nhắc là Toyota có thị phần toàn cầu rộng lớn hơn và doanh số cũng lớn hơn nhiều so với Tesla. Bởi vậy chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình sản xuất cũng có thể dẫn đến thiệt hại khổng lồ.

Hiện Toyota đang bán xe ở hơn 170 thị trường, bao gồm cả các nền kinh tế mà cơ sở hạ tầng và thu nhập người dân chưa chấp nhận được xe điện.

Cho dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định triết lý sản xuất của Elon Musk có thể sẽ dần thay thế được “Just In Time” của Toyota trong tương lai.

“Gigacasting sẽ làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành ô tô”, giám đốc Akihisa Shirao của dự án phát triển xe điện thuộc Toyota nhận định.

*Nguồn: FT


(0) Bình luận
Toyota thừa nhận: Không phải cứ sản xuất được ô tô là làm được xe điện, bí quyết 50 năm bị thách thức bởi triết lý sản xuất xe như ‘làm iPhone’ của Elon Musk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO