Trung Quốc có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ. Trải qua sự thay đổi của các triều đại, rất nhiều di vật văn hóa cổ vẫn còn tồn tại bất chấp những thăng trầm của cuộc sống. Một số đã được gìn giữ và bảo tồn trong các bảo tàng, nhưng chúng chỉ là một phần rất nhỏ so với khối lượng di vật văn hóa khổng lồ chưa được phát hiện.
Tuy vậy, cũng có một số người đặc biệt may mắn có thể vô tình phát hiện được những di vật văn hóa vô giá này. Bằng cách này, họ không chỉ được tận mắt chứng kiến chúng mà còn có thể giúp bổ sung thêm một di vật mới vào kho tàng di tích văn hóa của đất nước. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:
Ảnh minh họa: Sohu
Năm 2009, ông Lưu, một nông dân ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đang câu cá dọc bờ sông thì bất ngờ phát hiện ra một con rùa lạ bị che phủ dưới đám cỏ rêu. Tò mò, ông cụ lại gần để xem thì vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra con rùa này có vẻ được làm bằng đá. Không những thế, trên lưng của nó còn có 4 mũi tên bằng đồng.
Sau đó, ông Lưu đem con rùa về nhà và làm sạch cẩn thận. Lúc này, ông cụ còn phát hiện ra trên thân rùa còn có một số chữ lạ mà ông không biết. Cảm thấy vật này không phải là một món đồ cổ bình thường nên cuối cùng, ông Lưu cũng quyết định báo cáo cho cơ quan liên quan.
Nhận được tin, các chuyên gia cổ vật của tỉnh Chiết Giang đã lập tức đến nhà ông Lưu để tiến hành giám định. Qua xác định bước đầu, con rùa này không phải làm bằng đá mà được đúc từ đồng, 4 mũi tên trên lưng cũng vô cùng chắc chắn.
Sau quá trình nghiên cứu, bí ẩn về con rùa đặc biệt này cũng dần được hé lộ. Các chuyên gia xác định đây là một di vật văn hóa bằng đồng từ thời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, có trị giá ước tính lên tới 1,8 tỷ NDT (hơn 6.000 tỷ đồng).
Trong lịch sử Trung Quốc, đây là thời kỳ đồ đồng đạt đến đỉnh cao. Hơn nữa, từ dòng chữ ở mặt sau của con rùa, các chuyên gia có cơ sở xác định rằng con rùa đồng là một hiện vật từ thời nhà Thương. Chúng diễn tả lại câu chuyện Trụ Vương bắt gặp 1 con rùa lớn trong một lần đi săn và giết nó bằng 4 mũi tên. Sau đó, ông ra lệnh cho nghệ nhân làm ra một con rùa bằng đồng với 4 mũi tên cắm trên lưng để ghi nhớ sự kiện này.
Ảnh: Sohu
Có nhiều người còn nhận định, ở gần địa điểm phát hiện ra rùa đồng rất có thể từng tồn tại một ngôi mộ cổ, do bị lũ lụt phá hủy nên con rùa bằng đồng mới xuất hiện. Thật không may, ngôi mộ đó vẫn chưa được tìm thấy.
Đáng chú ý, điểm đặc biệt của con rùa bằng đồng này là có độ hoàn thiện cao và còn nguyên trạng dù đã trải qua 3000 năm lịch sử. Trên thực tế, nhiều đồ vật bằng đồng thông thường sẽ dễ bị oxi hoá ăn mòn qua thời gian. Thế nhưng bề mặt của con rùa bằng đồng này vẫn bóng bẩy, vẻ ngoài giống y như rùa thật. Điều này còn cho thấy quy trình chế tác rùa đồng phải rất phức tạp và nghệ nhân làm ra nó có tay nghề rất cao siêu.
Cũng vì món bảo vật này có giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn nên cuối cùng, ông Lưu đã quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc miễn phí. Đây là hành động góp phần to lớn vào việc nghiên cứu văn hóa ở Trung Quốc.
Mỗi quốc gia sau hàng nghìn năm thăng trầm lịch sử có lẽ vẫn sẽ còn rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trôi nổi chưa thể tìm thấy. Khi chúng ta vô tình phát hiện ra chúng, hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc cho những món đồ đó và bảo tồn chúng. Có như vậy, chúng ta mới có thể lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa quý giá này.
(Theo Sohu)