Mới đây trên trang cá nhân, bà Aksornsri Phanishsarn đã chia sẻ quan điểm Thái Lan không phải là “viên ngọc” thật sự hấp dẫn trong mắt chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bà cho biết “việc thu xếp được cuộc gặp với phía Mỹ đã mất rất nhiều thời gian, mà cũng chỉ tiếp cận được đến cấp USTR (Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ)”. Aksornsri Phanishsarn là phó giáo sư - tiến sĩ của Khoa Kinh tế thuộc ĐH Thammasat. Đây là ĐH hàng đầu của Thái Lan, xếp hạng QS 551 toàn cầu.
Lý do có sự nóng lòng này là do việc tạm hoãn áp thuế quan 90 ngày của Mỹ dự kiến kết thúc vào ngày 9/7. Tuy nhiên, chưa rõ tình hình đàm phán giữa Thái Lan và Mỹ ra sao.
Tờ Nation cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Jamieson Greer để thảo luận về việc hạ mức thuế đối ứng từ 36% xuống mức thấp nhất có thể. Thái Lan đã đề xuất nhiều biện pháp, và họ cho biết nhận được tín hiệu tích cực từ phía Mỹ.
Còn ông Vuttikrai Leewiraphan, Thư ký Thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, bày tỏ sự tin tưởng rằng các đề xuất của Thái Lan sẽ tạo ra tín hiệu tích cực cho đàm phán. Ông cho biết không chỉ các đề xuất trước đó, mà cả những đề xuất mới của ông Pichai cũng sẽ được bàn thảo
Trong khi đó, bà Nalinee Taveesin, Đại diện Thương mại Thái Lan, nhận định các cuộc đàm phán đang tiến triển tốt vì Thái Lan đã chính thức tham gia trước khi kết thúc thời hạn 90 ngày. “Mặc dù chưa rõ liệu thời gian tạm hoãn có được gia hạn không, chúng ta vẫn cơ hội vì đề xuất chính thức từ Thái Lan đã được tiếp nhận rất tích cực. Mỹ xem đây là đề xuất đầy triển vọng, hướng đến lợi ích hai bên”, bà nói.
Trước đó, Ủy ban chung về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng (JSCCIB), đại diện cho Phòng Thương mại Thái Lan, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Hiệp hội Ngân hàng Thái, đã họp để đánh giá tình hình kinh tế và tác động của đàm phán thuế quan Mỹ đến nền kinh tế Thái Lan.
Họ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng:
- 1. Nếu mức thuế giảm xuống 10%, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt 2,0%.
- 2. Nếu giảm một phần, thuế phổ biến ở mức 18%, tăng trưởng vào khoảng 1,5%
Ông Payong Srivanich – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan và JSCCIB – cảnh báo rằng nửa cuối năm 2025 có thể đối mặt nhiều rủi ro nếu đàm phán không đạt kết quả. Ông cho rằng thuế quan có thể làm giảm xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, việc làm và thu nhập chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ông Phot Aramwattananon – Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan – cảnh báo rằng kết quả đàm phán trước mốc 9/7 sẽ chỉ dấu rất quan trọng, đặc biệt nếu mức thuế cuối cùng cao hơn so với các đối thủ trong khu vực.
“Nếu không có thỏa thuận hoặc không được kéo dài, tác động sẽ nghiêm trọng, tạo cú sốc lên sản xuất và chuỗi cung ứng. Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng mạnh vì xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm hơn 18% tổng kim ngạch”, lãnh đạo Phòng Thương mại Thái Lan nói.