Theo đó, ngày 03/7, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Chứng khoán CV (CVS). Trụ sở chính đặt tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, 87 Hoàng Văn Thái, phường Tân Mỹ, TP.HCM (địa chỉ cũ phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM).
Cụ thể, Chứng khoán CV bị phạt số tiền 92,5 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 34 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật.
Đến ngày 10/06/2025, CTCP Chứng khoán CV (Công ty) không gửi báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền năm 2023, 2024 cho Ngân hàng Nhà nước và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực; Công ty báo cáo không đúng thời hạn đối với các thông tin, tài liệu gồm: Danh sách người hành nghề chứng khoán năm 2022, Thông tin về việc ký hợp đồng mở tài khoản chuyên dụng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Hà Thành.
Về tình hình kinh doanh, quý 1/2025, Chứng khoán CV báo lỗ gần 6,4 tỷ đồng, đi ngang so với khoản lỗ ở cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là kỳ báo lỗ thứ 11 liên tiếp của công ty chứng khoán này.
Điểm sáng trong BCTC của Chứng khoán CV đến từ doanh thu hoạt động tăng đột biến hơn 13,6 lần so với cùng kỳ, lên 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của doanh nghiệp lại tăng 1,9 lần lên gần 7,6 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý cũng tăng mạnh lên 3,7 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động, khiến công ty chứng khoán này có kỳ báo lỗ thứ 11 liên tiếp.
Tính tới thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của Chứng khoán CV ở mức 333,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 307,6 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng đột biến gấp gần 4 lần hồi đầu năm, lên 184,5 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty ở mức khiêm tốn 4,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Được biết, Chứng khoán CVS có tiền thân là CTCP Chứng khoán Hồng Bàng, thành lập từ năm 2009. Công ty đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015 và sau đó tiếp tục đổi thành Chứng khoán CV vào năm 2018.

Ngày 9/6/2022, CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service, đơn vị sở hữu thương hiệu MoMo) đã nhận chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Chứng khoán CVS, từ hai cổ đông lớn là Phó Chủ tịch Jiang Wen và Tổng Giám đốc Nguyễn Kim Hậu.
Tính đến cuối tháng 3/2025, M-Service sở hữu gần 224 triệu cổ phần CVS, tương đương 49% vốn điều lệ Chứng khoán CVS. Ba cá nhân khác là ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường, mỗi người sở hữu sở hữu gần 77,6 triệu cổ phần, tương ứng 17% vốn điều lệ của công ty.