Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân

Lê Sáng | 15:50 06/03/2024

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng Nhà nước chỉ đạo công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân
Tại Công điện vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân. Ảnh: Int

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 với nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan đến điều hành lãi suất, tín dụng.

Tại Công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 âm 1,12% so với cuối năm 2023.

Ngoài vì tính thời vụ, nhu cầu vay giảm vào đầu năm, kinh tế khó khăn, giới chuyên môn cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp còn do người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.

Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Chỉ thị 01, trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân công bố.

Tại hội nghị ngành ngân hàng hôm 20/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc công khai là "kỷ cương điều hành", các ngân hàng đều phải thực hiện. Lãi suất công bố sẽ là mức bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, doanh nghiệp, loại hình.

Về phía ngân hàng, theo Phó thống đốc, việc này sẽ giúp các nhà băng cạnh tranh công bằng, khách quan. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có chế tài về vấn đề này, song Phó thống đốc cảnh báo "nếu ngân hàng không công bố sẽ phải chịu chế tài của dư luận".

Tại công điện hôm nay, để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm lãi suất cho vay, rà soát kết quả cấp tín dụng của hệ thống, với từng ngành, lĩnh vực. Thủ tướng lưu ý nguồn vốn cho vay phải hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì các lĩnh vực rủi ro.

Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra chặt các hoạt động cho vay không đúng đối tượng ưu đãi, như cho vay với ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau...

Ngành ngân hàng phải bảo đảm cấp đủ vốn cho nền kinh tế, để doanh nghiệp, người dân có thể đầu tư phát triển. "Tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm", công điện nêu.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế tăng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng còn “lăn tăn”

Thời gian qua, trước yêu cầu công khai lãi suất cho vay, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lại cho rằng nhiều vướng mắc.

Lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết, việc công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với ngân hàng thì không vấn đề gì bởi mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra không lớn. Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, đại diện LPBank e ngại sự phản ứng của khách hàng khi hết thời gian ưu đãi.

“Nếu ngân hàng áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng thì các khách hàng vay cũ sẽ phản ứng tiếp tục đòi giảm lãi suất mà họ đang phải chấp nhận trả, mặc dù có thể trước đây 12 tháng họ đã được ưu đãi. Đây là khó khăn với ngân hàng khi công bố lãi suất cho vay bình quân này”, ông nói.

Trong khi đó, đại diện Techcombank đề nghị chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân. Theo lý giải của vị này, thực tế hoạt động cho vay doanh nghiệp còn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, từng mức độ rủi ro,… Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập. Đại diện Techcombank đề nghị chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân.

Đại diện TPBank cũng cho rằng không hợp lý nếu đưa ra một mức lãi suất chung vì hoạt động cho vay, việc lãi suất cho vay quyết định bởi nhiều yếu tố từ quy mô khách hàng, dịch vụ khách hàng, lợi ích khách hàng, tính chất rủi ro, có tài sản bảo đảm hay không.

Mới đây, thông tin với báo chí, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết thời gian tới, sau khi NHNN tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức tín dụng, NHNN dự kiến sẽ lập một website, tại đó các tổ chức tín dụng gửi đường link việc công bố lãi suất bình quân liên kết với website của NHNN, từ đó bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, NHNN không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố chi tiết các nhóm khách hàng, các phân đoạn khách hàng, các chương trình tín dụng. Thẩm quyền và trách nhiệm công bố lãi suất cho vay bình quân hoàn toàn là của các NHNN.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO