Tại Hội nghị công bố quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, chiều 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng, có 3 điểm nghẽn rất lớn cần phải tập trung tháo gỡ ở thành phố này. Đó là về thu hút nguồn lực, đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển giai đoạn mới và vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, môi trường...
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, điểm nghẽn và thách thức lớn của TP HCM chính là thành phố đông dân nhưng lại đất chật người đông. Chính vì vậy, việc quy hoạch TP HCM cần phải định hướng mở rộng không gian vũ trụ, không gian biển và cả không gian ngầm.
Thủ tướng cũng đánh giá cao về việc TP HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị trên cao và được người dân quan tâm. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục khai thác về không gian ngầm.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ rằng có trao đổi với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM cho đến huyện Cần Giờ. Kết quả, tỷ phú Phạm Nhật Vượng "đồng tình và rất say sưa" với đề nghị này.
Từ việc này, Thủ tướng gợi ý rằng cần phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng TP HCM phát triển với "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện, đã làm phải ra kết quả...
Trước đó, vào tháng 7/2024, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đã thống nhất với đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm TP HCM đi Cần Giờ vào hợp phần giao thông trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Cụ thể, tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ vào ngày 18/7/2023). Sau đó, Thành ủy và UBND TP cũng có chủ trương và chỉ đạo.
Lợi ích của dự án tàu điện ngầm từ TP HCM đi Cần Giờ là gì?
Dự án tàu điện ngầm giúp kết nối từ TP HCM đi Cần Giờ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Vào tháng 11/2023, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng cho rằng, để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ có nhiều cách. Trong số đó có thể làm đường trên cao hoặc làm tàu điện ngầm đến Cần Giờ.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, nguyên tắc khi làm dự án phải bảo vệ những gì thiên nhiên ban tặng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và TP HCM. Bây giờ kỹ thuật có thể nghiên cứu làm đường trên cao hay làm tàu điện ngầm dưới lòng sông. Chi phí làm có thể cao hơn nhưng đổi lại chúng ta bảo vệ được rừng, khai thác được tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Cần Giờ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu tổng quát trước tiên của Quy hoạch là phát triển thành phố trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.
Thứ hai là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
Thứ ba, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao.
Cuối cùng là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, về kinh tế, Quy hoạch TP HCM đặt mục tiêu GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 14.800 - 15.400 USD.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch, TP HCM hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ; đồng thời phát triển TP HCM theo 3 tiểu vùng, gồm tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng Thủ Đức và tiểu vùng ngoại thành.