Thủ tướng: Kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng

PV (TH) | 20:53 06/11/2022

Chiều 5/11, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời và làm rõ các nội dung có liên quan.

Thủ tướng: Kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng lòng chung sức của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân, tình hình kinh tế xã hội 10 tháng qua tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 16,2 % so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,1%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian tới Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, khắc phục tồn tại yếu kém, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.

Về công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tuyệt đối không lơ là, nhưng cũng không hoang mang dao động, cần bình tĩnh, linh hoạt, nâng cao năng lực dự báo, kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần phục hồi, phát triển bền vững.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, thời gian qua Chính phủ từng bước chỉ đạo nâng cao khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán. Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay thị trường vốn đã phát triển đầy đủ với quy mô tăng mạnh. Tuy nhiên có hiện tượng tăng trưởng nóng, nhiều rủi ro. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để đảm bảo thị trường lành mạnh, bền vững.

Thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, tài chính, rà soát chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần phát triển bất động sản, nhà ở cho đối tượng yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, Chính phủ đã có điều chỉnh kịp thời, chủ động chỉ đạo sản xuất hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo nhu cầu của người dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống buôn lậu, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, nâng tổng mức dự trữ quốc gia, sửa đổi các quy định còn bất cập.

Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện đồng bộ giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, số vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% còn rất chậm.

Những hạn chế này xuất phát từ công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan chưa sát với thực tế, quy trình thủ tục mất thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người đứng đầu e ngại trách nhiệm. Chính phủ đang khắc phục những hạn chế, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.

Về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có tâm lý sợ trách nhiệm, quy định pháp luật còn vướng mắc. Để sớm khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành địa phương cần nghiên cứu kỹ càng, rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật bất cập, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của người đứng đầu, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, đảm bảo công tác đấu thầu minh bạch, khách quan.

Về tăng năng suất lao động, Thủ tướng cho rằng đây là chính sách quan trọng, được đặc biệt quan tâm. Tốc độ tăng năng suất của nước ta chưa đủ nhanh để bắt kịp thế giới, do chất lượng nhân lực hạn chế, trình độ kỹ thuật lạc hậu… Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế chính sách phù hợp để đào tạo nhân lực gắn với sự phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thị trường nhân lực hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phong trào thi đua, cải cách tiền lương.

051120220208-z3854264176748_11e04d27e0fd168c33ecd45635e772c3.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng: vấn đề dạy văn hóa trung học phổ thông trong các trường, khối giáo dục nghề nghiệp đã được đại biểu nêu ra tại nhiều kỳ họp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ liên quan tập trung giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu Dung cho biết, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, do vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết ý kiến về vấn đề này?. Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: Quốc hội khóa XV đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, đã hơn một năm nhiều Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành phải chờ nghị định. Việc chậm trễ này ít nhiều tác động tới tâm lý của cán bộ, công chức, người lao động. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm trễ trên cũng như giải pháp căn cơ để chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ổn định, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Thời gian qua hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt và mềm dẻo. Tuy nhiên, hiện tại thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức khó lường, khó đoán định. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng Đối ngoại cơ bản và thái độ của chúng ta. Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về một số định hướng Đối ngoại cơ bản để thống nhất phát ngôn và hành động.

Trả lời các đại biểu Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, về vấn đề định hướng đối ngoại, chúng ta theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì sự phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực hiện đường lối này với 3 trụ cột chính: ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và thu được nhiều kết quả quan trọng, ứng phó linh hoạt với các sự kiện quốc tế.

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải. Thủ tướng biểu dương Bộ Ngoại giao đã tích cực thực hiện Chiến lược vắc-xin với phần công việc ngoại giao vắc-xin. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân mà vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí…

Về cơ cấu tổ chức Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang phấn đấu trong tháng 11 này hoàn thành các Nghị định cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Kết quả đến nay, Chính phủ đã giảm được các cơ quan trung gian, tuy công tác này thực hiện chậm nhưng có được hiệu quả rõ nét, cần được tiếp tục thực hiện.

Về vấn đề văn hóa, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, đặt ngang tầm văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, nhận thức về vấn đề văn hóa đang được nâng lên, mang đến sự thay đổi trong hành động, đưa đến những kết quả tốt hơn trong thời gian toewi. Cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa năng lực, văn hóa con người Việt Nam cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng để phân cấp, phân quyền tốt thì cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, do đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật để phân bổ nguồn lực hợp lý. Đây là một điểm nghẽn cần tháo gỡ. Tới đây, Chính phủ sẽ rà soát để làm tốt hơn vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, theo Báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp này thì tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 là 8,3 %, ước tính cả năm đạt khoảng 8%. Để đạt được kết quả này, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 là nỗ lực chung rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid 19? Và làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo?

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH Điện Biên đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường. Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào, các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta?. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định rõ hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch khác và quy hoạch các vùng, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn;… Luật cũng quy định chặt chẽ mối quan hệ giữa các quy hoạch, trong đó quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các quy hoạch còn lại. Đến nay, quy hoạch quốc gia chưa hoàn thành. Đề nghị Thủ tướng cho biết tình hình chỉ đạo triển khai việc lập các quy hoạch? Đồng thời chỉ rõ giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô là luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng là dịch chồng dịch. Đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ?.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Qua 2 năm chống dịch chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Song Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bai học kinh nghiệm.

Về sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều cộng nữa để co dư địa, không gian sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ cho biết trên thực tế đã làm đúng tinh thần. Trong giai đoạn 1 khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virut đã buộc chúng ta phải dùng biện pháp hành chính. Sau khi nhấn thấy biện pháp hành chính rất khó thành công thì chúng ta đã thúc đẩy vaccine. Theo đó đã xây dựng chiến lược vaccine cùng với là ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ thời gian tới cần tiếp tục là phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên có thể thấy rõ nhấn là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất là quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tinh thần đại đoàn kết dân tộc ta khi gặp khó khăn đã biến nguy thành cơ. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta cũng đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu.

Trả lời về ứng phó với biển đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên phải nhận thức và hành động tương xứng với những gì biến đổi khí hậu đang tác động đến nước ta, đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, phải đánh giá lại tác động; phải xây dựng thể chế; đảm bảo các nguồn lực, dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu bao gồm sạt lở đê điều, hồ đập…

Bên cạnh huy động nguồn lực Nhà nước phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư. Ngoài ra phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và tăng cường quản trị quốc gia

Về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục. Nhiệm kỳ này đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng.

Về bài học phục hồi kinh tế sau COVID-19, Thủ tướng Chính phủ làm rõ, có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn nên cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; chi phí cho giáo dục, y tế là một gánh nặng với người nghèo và nhất là công nhân tại các khu công nghiệp. Trước thực trạng này, đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 có đưa ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%. Thực tiễn thời gian qua, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, tính đến quý II năm 2022 là 7,8%, trong khi đó Mỹ 8,2%, các nước sử dụng đồng tiền chung Euro lên tới 10% trong tháng 9. Trong khi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế có độ mở vào diện cao nhất thế giới. Rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, tác động của xung đột Nga và Ukraine, Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero COVID đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, mục tiêu đặt ra CPI khoảng 4,5% có khả thi?. Đề nghị Thủ tướng chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu đó?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đang thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Trong khi đó thì cấp cơ sở do thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp thì chính quyền cấp cơ sở, nhất là chính quyền cấp xã đang được giao ngày càng nhiều nhiệm vụ và quyền hạn dẫn đến tình trạng quá tải về khối lượng công việc. Ví dụ một công chức Văn hóa xã hội cấp xã hiện này đang phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực thi công vụ. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm và lộ trình để giải quyết một cách hài hòa vấn đề này?.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Về vấn đề tinh gọn bộ máy ở chính quyền địa phương, Thủ tướng cho biết, công việc ở cơ sở vốn đã nhiều sẽ càng nhiều hơn khi có dịch bệnh. Vì vậy, phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, nhưng phải đảm bảo sát với tình hình thức tế. Thủ tướng cho biết, chính sách hiện nay được thiết kế cho toàn hệ thống, chưa đảm bảo được tính đặc thù của chính quyền cơ sở ở nông thôn. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, đảm bảo dung hòa giữa điểm chung, điểm riêng, đặc thù vùng miền trong công tác này.

Về chỉ số CPI, vừa qua Việt Nam kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết, có hai nội hàm cần quan tâm trong kìm hãm lạm phát: "cầu kéo" giảm đi, "cung đẩy" phù hợp. Theo đó, cần tìm điểm cân bằng quan trọng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. 

Với kinh nghiệm nhiều năm kiểm soát lạm phát, chúng ta phân tích được những rổ hàng tác động đến tình hình lạm phát trong nước, trong đó rổ lớn nhất là vấn đề ăn uống, sau đó đến xây dựng, trang thiết bị đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế. Các rổ hàng này chiếm tỷ trọng lớn, nên trong kiểm soát lạm phát cần tính đến các lĩnh vực này.

Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm của Việt Nam là chúng ta tự chủ lương thực thực phẩm, với nông nghiệp là trụ đỡ, tích cực rà soát việc lên giá của vật liệu. 

Về an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau… đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có đống góp lớn của đại biểu Quốc hội. Thời gian sắp tới, cần xem xét những vấn đề bất cập như xây dựng căn hộ cho người có thu nhập thấp, tăng lương, phụ cấp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”; vẫn còn tư tưởng làm ít sai ít. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về những vấn đề này cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Nhân dân đánh giá rất cao các chuyến đi, kiểm tra thực tế của Thủ tướng, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, dự án giao thông. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có định hướng như thế nào đối với việc phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng chống biến đổi khí hậu?

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế là gì?.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.

Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai, Thủ tướng cho biết, hạ tầng chiến lược gồm rất nhiều lĩnh vực, muốn thực hiện được điều này cần đánh giá, tổng kết đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, bài học kinh nghiệm. Tiếp đến là tập trung xây dựng thể chế liên quan đến lĩnh vực này; huy động nguồn lực nhà nước và nguồn ngoài nhà nước; chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động; cải cách quản trị quốc gia và sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu công tác cải cách hành chính, ý thức, thái độ của cán bộ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia đang đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, trong 35 năm đổi mới, đạt được thành tích rất lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài…

Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng, với tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để có giải pháp tốt hơn đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, với quan điểm của Đảng lấy xây là chiến lược về cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.

Đối với chất vấn về còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, Thủ tướng cho rằng, tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch…

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Chính sách về nhà ở xã hội được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu. Với các quy định hiện nay, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng để tiếp cận nhà ở xã hội. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian tới, Chính phủ có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?

Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Tại Báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong giai đoạn 2016-2021 nhận định trong thời gian qua, việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài. Đề nghị Thủ tướng có giải pháp khắc phục dứt điểm cái tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Hiện nay việc hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá thương hiệu. Đề nghị Thủ tướng cho biết: Theo Thủ tướng trong thời gian tới có giải pháp nào công khai, minh bạch để giải quyết vấn đề này? Nếu có được định giá thương hiệu công thì việc phát huy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục sẽ được phát huy rất hiệu quả?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Về xây dựng thương hiệu công, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rằng, việc xây dựng thương hiệu đối với các nước trên thế giới khá bài bản và được tiến hành từ khá lâu. Theo đó, khi định giá cơ sở, tổ chức nào đó thì bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.

Tới đây, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng giá trị thương hiệu, không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư. Cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu của mình…

Về vấn đề giải quyết khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng cho rằng, giải pháp đặt ra là cần rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tiếp công dân của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân.

Về chính sách nhà ở xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tháo gỡ cơ chế nguồn lực để phát huy hiệu quả hợp tác công- tư, rà soát hệ thống pháp luật để hạn chế các bất cập, nghiên cứu cơ chế cho việc thuê-mua, giải quyết các vấn đề trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Quy định của Luật Đầu tư công đang khiến cho nhiều địa phương vướng mắc khi lập dự toán ngân sách năm 2023 trong việc bố trí kinh phí cho việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản công có nhu cầu cần thiết, cấp bách và có giá trị không lớn. Hậu quả của vấn đề này, đại biểu Trần Hữu Hậu đã phân tích trong phiên giám sát vể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xin ý kiến 63 tỉnh, thành và 21 bộ, ngành, chỉ có một bộ không đồng ý. Trên cơ sở đó đã đề xuất Chính phủ trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét ra Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc này. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ có kịp trình nội dung này ra trong Kỳ họp thứ 4 này không? Nếu không thì nguyên nhân tại sao và bao giờ trình được? Hay Thủ tướng có biện pháp tháo gỡ nào khác?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Đầu năm nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng Chính phủ đã thực hiện và triển khai khá tốt việc này, nhất là trong việc thực hiện những đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực khác vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Thủ tướng cho biết đánh giá của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào và các giải pháp căn cơ là gì, đặc biệt là phân cấp phân quyền gắn với cải cách hành chính, phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ theo từng lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Theo Báo cáo của Chính phủ, phần tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP hiện nay là khoảng 10%. Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng này đạt được khoảng 30%. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến 2030 còn rất ít, khoảng 8 năm để thực hiện được mục tiêu. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu về kinh tế số nêu trên?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là xu thế, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế số sẽ len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, nên cần tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thể chế phù hợp, khả thi, đảm bảo phát triển đúng hướng, bền vững, nhanh, kiểm soát những điều chưa đúng hướng, chưa lành mạnh.

Nhấn mạnh con người là chủ thể, động lực cho sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực; trong đó có quan tâm đến khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển chuyển đổi số. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, cần huy động nguồn lực lớn, cần dựa vào xã hội hóa, hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài để đáp ứng tốc độ phát triển. Các cấp các ngành đều phải tích cực nhập cuộc.

Liên quan đến phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chủ trương của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tốt nhất và nhanh nhất. Để làm tốt việc này cần đảm bảo phân bổ nguồn lực nâng cao năng lực thực thi. Cần rà soát hệ thống văn bản để thực hiện; nâng cao năng lực cán bộ, công chức; giám sát, kiểm tra thường xuyên tránh lạm quyền. Đây là những vấn đề cần tập trung đề làm tốt phân cấp, phân quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng: Kiên định mục tiêu đã đặt ra, đặt lợi ích của nhân dân lên trên cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO