Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ sáng 5/11, một số đại biểu cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được xử lý nghiêm, qua đó làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Đồng thời, đề nghị Tổng thanh tra cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ định hướng công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực ngân hàng.
Với ngân hàng thường tập trung thanh tra cấp tín dụng, đầu tư liên quan đến lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu…
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc ngân hàng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, những năm qua, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank) và 2 ngân hàng chính sách xã hội.
Kết quả thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách bất cập. Thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm, với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra.
Ông dẫn chứng như thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra. Vụ việc này, đã xét xử hàng chục cán bộ ngân hàng, cán bộ các cơ quan liên quan. “Đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng”, Tổng Thanh tra cho hay.
Trước đó, từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, các cơ quan chức năng đã thống kê các hành vi này thường xuất phát từ những sai phạm sau: Nhân nhượng hoặc làm ngơ trước những sai sót của khách hàng. Các nội dung can thiệp trái pháp luật của lãnh đạo.
Lợi dụng sự sơ hở của chính sách quản lý về ngân hàng và cho vay để tư lợi. Chính sách với khách hàng Vip còn nhiều sơ hở. Cho vay tín chấp không đủ điều kiện. “Vay ké”, “vay lại” để sử dụng vào mục đích tư lợi.
Nhận hồ sơ thế chấp không phải là bản chính. Thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra và nắm chắc tình trạng tài sản trước và sau khi nhận thế chấp. Thẩm định hồ sơ thế chấp không đúng, không kỹ càng, đầy đủ. Thẩm định hồ sơ không đúng quy trình do nể nang cấp trên cho vay trước hoàn thiện hồ sơ sau.
Quản lý kho hàng thế chấp, cầm cố không chặt chẽ. Tiếp nhận tài sản không được phép nhận. Không kiểm tra được việc sử dụng vốn vay và nắm bắt được thực trạng tài chính sau khi cho vay. Xà xẻo, bớt xén, bán rẻ mạt, chi phí bừa bãi khi xử lý tài sản đảm bảo…