“Bẫy Lewis” - kinh nghiệm từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

An Diệp | 17:23 12/07/2025

Theo Wigroup, kinh tế Việt Nam đang đứng trước “Bẫy Lewis” khi mô hình tăng trưởng chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và chỉ tham gia vào các công đoạn giản đơn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong khi các dư địa "truyền thống" cho tăng trưởng đang dần cạn kiệt.

 “Bẫy Lewis” - kinh nghiệm từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Theo đó, "Bẫy Lewis" hay điểm uốn Lewis là một ngưỡng cửa quan trọng khi một nền kinh tế cạn kiệt dư địa lao động giá rẻ, tiền lương bắt đầu tăng và lợi thế cạnh tranh về chi phí dần biến mất.

a1(1).png
Nguồn: Wigroup

Dựa trên thực tiễn các yếu tố đang tác động ảnh hưởng và cấu thành bức tranh kinh tế, Wigroup - tổ chức chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường hàng đầu trong nước đã lấy Trung Quốc làm ví dụ tham chiếu để đưa ra những phân tích về “Bẫy Lewis” của Việt Nam.

Bẫy Lewis là gì?

Khái niệm điểm uốn Lewis (Lewis Turning Point) là do nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Arthur Lewis (Arthur W. Lewis) đề xuất. Diễn biến của lý thuyết Lewis mô tả một quy luật phát triển gần như hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đều trải qua. Giai đoạn ban đầu được đặc trưng bởi sự dư thừa lao động khổng lồ, thường xuất phát từ khu vực nông nghiệp truyền thống có năng suất biên tế thấp.

Trong thời kỳ này, các ngành công nghiệp hiện đại có thể dễ dàng thu hút một lượng lớn lao động với mức lương thấp và tương đối ổn định, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dựa trên lợi thế chi phí. Tuy nhiên, quá trình này không thể kéo dài mãi. Khi nền kinh tế tiếp tục phát triển và hấp thụ dần nguồn lao động nông thôn, quốc gia sẽ đạt đến điểm chuyển đổi Lewis.

Tại đây, nguồn cung lao động giá rẻ cạn kiệt, và tiền lương bắt đầu tăng lên nhanh chóng do sự khan hiếm lao động. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, các quốc gia buộc phải chuyển đổi mô hình phát triển. Thay vì dựa vào số lượng lao động giá rẻ, họ phải chuyển sang dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Điều này đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo kỹ năng, tự động hóa, và dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Nếu không thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này, một quốc gia có nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", nơi tăng trưởng kinh tế bị đình trệ do chi phí lao động tăng mà năng suất không theo kịp. Do đó, việc chủ động nhận diện và có chiến lược ứng phó kịp thời với điểm Lewis là yếu tố then chốt để các nền kinh tế duy trì đà phát triển bền vững.

Những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo Wigroup, Trung Quốc là một ví dụ kinh điển về việc một quốc gia đã tận dụng triệt để nguồn lao động dồi dào, giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thần tốc trong nhiều thập kỷ, đồng thời cũng là một minh chứng sống động cho diễn biến của Định luật Bẫy Lewis.

a2(1).png
Nguồn: Wigroup

Giai đoạn ban đầu: Tận dụng lợi thế lao động giá rẻ

Từ những năm 1980, sau khi thực hiện cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất chế tạo. Hàng trăm triệu lao động từ khu vực nông thôn, vốn là khu vực truyền thống với năng suất biên tế thấp, đã di chuyển ào ạt ra các thành phố, tham gia vào các nhà máy, khu công nghiệp thuộc khu vực hiện đại. Nguồn cung lao động dồi dào này cho phép các doanh nghiệp sản xuất với chi phí thấp, tạo ra lợi thế cạnh tranh khổng lồ cho hàng hóa Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Trung Quốc nhanh chóng trở thành "công xưởng của thế giới", đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong giai đoạn này, tiền lương tăng chậm hơn nhiều so với năng suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích lũy vốn và tái đầu tư.

Bẫy Lewis của Trung Quốc diễn vào khoảng 2009 - 2011

Vào khoảng cuối thập niên 2000 đến đầu thập niên 2010, nhiều nhà kinh tế bắt đầu nhận thấy Trung Quốc đang tiến gần hoặc đã đạt đến "Điểm chuyển đổi Lewis". Các biểu hiện của sự chuyển dịch này trở nên rõ rệt hơn, bao gồm việc tăng trưởng lương mạnh mẽ, khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên đáng kể, đặc biệt là tại các khu vực duyên hải và trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đi kèm với các cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra thường xuyên hơn.

Đồng thời, nền kinh tế cũng bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ: mặc dù vẫn còn một lượng lớn lao động nông thôn, nhưng tốc độ di chuyển từ nông nghiệp ra công nghiệp đã chậm lại, và một số ngành, khu vực bắt đầu thiếu hụt lao động có kỹ năng. Điều này dẫn đến áp lực dịch chuyển sản xuất, khi các công ty nước ngoài và cả doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu cân nhắc chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, hoặc đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa.

Phản ứng của Trung Quốc để thoát “Bẫy Lewis”

Theo Wigroup, Trung Quốc đã nhận thức rõ nguy cơ từ “bẫy Lewis” và chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển để không bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình (một hệ quả của Bẫy Lewis) với một số biện pháp nổi bật bao gồm:

Nâng cao chuỗi giá trị và đổi mới sáng tạo, theo đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghệ cao như AI, robot, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ, điện tử, nhằm chuyển đổi từ "Made in China" sang "Created in China" (Sáng tạo tại Trung Quốc). Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất thông minh thông qua tự động hóa và robot hóa trong các nhà máy để giảm sự phụ thuộc vào lao động phổ thông, và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng thương hiệu toàn cầu.

Đầu tư vào giáo dục và nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo nghề để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp mới, cũng như thu hút và giữ chân nhân tài.

Chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng thông qua việc thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu và đầu tư, Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng nội địa để tạo ra động lực tăng trưởng bền vững hơn.

a3(1).png
Nguồn: Wigroup

Việt Nam và thách thức từ “bẫy Lewis”

Theo Wigroup, nhìn vào tháp dân số, theo dữ liệu và ước tính của PopulationPyramid.net thì cơ cấu dân số Trung Quốc năm 2012 (điểm Uốn Lewis của Trung Quốc) sẽ tương đương cơ cấu dân số Việt Nam giai đoạn 2030 - 2035.

a4.png

Wigroup đánh giâ, nếu nhìn vào tỷ lệ đô thị hóa, giai đoạn bùng nổ nhất của kinh tế Trung Quốc là từ 1995 đến 2010 kéo theo đó là tốc độ đô thị hóa tăng mạnh từ 29% vào 1995 lên 50% vào 2010 thì hiện tại tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam quanh mức 40%, hàm ý rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn vàng cho phát triển kinh tế nhờ lực lượng lao động giá rẻ. Nhưng khoảng 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ chạm điểm uốn Lewis khi tỷ lệ đô thị hóa vượt quá 50% như Trung Quốc (2010).

a5.png

Tóm lại, theo Wigroup với tháp dân số và tỷ lệ đô thị hóa thì có thể Việt Nam trong 5 10 năm tới sẽ chạm tới điểm uốn Lewis và không còn về lợi thế từ nguồn lao động dồi dào nữa.

Thách thức với mục tiêu trở thành Quốc gia phát triển trong năm 2045

Kế hoạch của Chính phủ trong dài hạn sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển trong năm 2045, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, theo Wigroup đây là thách thức lớn khi Việt Nam sắp chạm giới hạn của mô hình kinh tế "nhân lực giá rẻ" nhưng mô hình tăng trưởng hiện tại vẫn dựa chủ yếu vào gia công, lắp ráp, và phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, lực lượng lao động trong nước chủ yếu đảm nhiệm các công đoạn đơn giản trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, nhưng phần giá trị gia tăng mà Việt Nam nắm giữ vẫn còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, lợi nhuận chính nằm ở khâu công nghệ, thiết kế – vốn do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Lao động trong nước chủ yếu thực hiện thao tác lắp ráp, sản xuất với yêu cầu kỹ năng thấp, ít có cơ hội tham gia vào khâu giá trị cao hơn. Điều này dẫn đến năng suất lao động ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình cao tại châu Á.

a6(1).png
Nguồn: Wigroup

Để thành công vượt qua "bẫy Lewis" và tiếp cận ngưỡng cửa quốc gia phát triển, theo ông Nguyễn Viết Nhật - nhà ngiên cứu đến tại Wigroup, Việt Nam cần tập trung cải thiện một số yếu tố trọng tâm cốt lõi.

Thứ nhất, xem xét tăng cường dự trữ ngoại hối do trong giai đoạn vẫn còn lợi thế về nhân công giá rẻ và duy trì thặng dư thương mại lớn, Việt Nam cần khéo léo trong điều hành chính sách tiền tệ để tối đa hóa việc "tích lũy" ngoại tệ. Đây sẽ là nền tảng ngoại hối vững chắc sẽ mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo ra dư địa phát triển và khả năng chống chịu tốt hơn khi giai đoạn nhân công giá rẻ không còn là lợi thế.

Thứ hai và cũng là yếu tố then chốt theo Wigroup là cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó, mục tiêu không chỉ dừng lại ở "Made in Vietnam" mà phải hướng tới "Created in Vietnam".

Wigroup đánh giá, chiến lược này đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các công đoạn giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, năng suất lao động quốc gia sẽ được nâng lên đáng kể, tạo ra động lực tăng trưởng bền vững hơn.


(0) Bình luận
“Bẫy Lewis” - kinh nghiệm từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO