Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi vay

An Diệp | 15:18 28/11/2024

Tại Công điện vừa gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ để giảm mặt bằng lãi suất vay và giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi vay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.

Tại Công điện, Thủ tướng đánh giá, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều, thiếu vững chắc, thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia.

Trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu của ngân hàng tăng.

Trong bối cảnh nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình quốc tế, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Trong công điện, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15%. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả và mạnh mẽ hơn các giải pháp trong thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tín dụng cần tập trung vào khối sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

"Việc đưa vốn ra nền kinh tế phải đảm bảo thực chất, không để ách tắc, chậm trễ, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho tiêu cực trong việc cấp tín dụng cho các ngân hàng", Thủ tướng nêu trong công điện và yêu cầu các ngân hàng tiếp tục rà soát và có biện pháp cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới hỗ trợ khách hàng vay thiệt hại bởi cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao giám sát chặt việc cấp tín dụng, việc minh bạch lãi suất của các tổ chức tín dụng và có giải pháp kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, lượng tiền cung ứng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay... để cung ứng vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý. Việc đưa tiền ra và hút tiền về cần nhịp nhàng, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, đảm bảo lãi suất huy động cần được giữ ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất đầu ra.

Về thủ tục cho vay, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội ngày 10/11, tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/10 đạt 10,08% so với cuối năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng 16,65%.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 10 tháng đầu năm 2024, cơ quan này giữ nguyên lãi suất điều hành. Nhà chức trách tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Các nhà băng cũng phải công khai mức lãi cho vay bình quân, chênh lệch lãi tiền gửi và cho vay để giúp khách hàng dễ tiếp cận vốn.

Tính đến ngày 20/10, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Song, theo cũng cơ quan này, việc giảm lãi suất trong thời gian tới "rất khó khăn". Nguyên nhân do lãi suất cho vay có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Nhu cầu vốn tín dụng tiếp tục tăng sẽ áp lực với mặt bằng lãi suất. Trong khi đó, việc giảm lãi suất tiền đồng trong nước sẽ làm tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO